Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Từ lời thề bên sông Hát


Từ lời thề bên sông Hát


Kể từ năm 179 TCN, cơ đồ của Thục An Dương vương “đắm biển sâu “, giang sơn Âu Lạc rơi vào tay Nam Việt - Triệu Đà, đến mùa xuân năm 40, Trưng Trắc,Trưng Nhị tổ chức Hội thề sông Hát dựng cờ khởi nghĩa, quyết giành lại giang sơn Âu Lạc, là cả một đêm trường nô lệ dài dặc hơn 200 năm.

Đêm trường đô hộ
Sau khi chiếm được thành Cổ Loa, kinh đô nước Âu lạc, Triệu Đà xóa quốc hiệu Âu Lạc bằng cách sáp nhập đất đai Âu Lạc vào Nam Việt, chia Âu Lạc thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, tiến hành lập sổ hộ khấu.
Năm 135 TCN, nhà Hán tiêu diêt được Nam Việt của họ Triệu, và năm 111 TCN, chiếm Âu Lạc và chia thành ba quận : Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam gộp với sáu quận của ở Trung Hoa thành châu Giao. Thủ phủ của châu Giao được đặt ở Luy Lâu (Thuận Thành- Bắc Ninh). Năm 23, sau khi tái lập nhà Hán, chính quyền Đông Hán của Quang Vũ tăng cường quyền lực ở các địa phương xa. Sử cổ Trung Hoa như Hậu Hán thư đề cao chính sách và thắng lợi công cuộc cai trị, giáo hóa của các viên quan này .
Ở vùng miền Trung – mang tên là quận Cửu Chân, viên Thái thú Nhâm Diên được ca ngợi là đã dày công “dạy cho dân biết cày cấy, chế tạo mũ giày, bắt đầu đặt mối lái, dân mới biết hôn nhân. Dựng học hiệu, dạy dân lễ nghĩa. Thậm chí qua con mắt các sử gia nhà Hán, tình hinh của vùng đất Cửu Chân là chỉ biết“ lấy săn bắn lám nghề nghiệp, không biết cày ruống bằng trâu bò (!)” Dân thường xin mua lúa ở Giao Chỉ, thường hay túng thiếu” , nhờ có “ Diên khiến đúc chế điền khí, dạy dân khai khẩn ruộng đất, Đặc biệt về phong tục- lối sống, ở vùng này, theo nhìn nhận của sử gia Hậu Hán thư thì “ dân Lạc Việt không biết phép lễ giá thú, đều theo dâm hiếu, không thich cặp đôi, không biết tính cha con, không biết đạo vợ chồng”. Nhâm Diên đã "bắt các huyện khiến con trai từ 20 tuổi đến 50 tuổi, con gái từ 15 đến 40 tuổi, đều theo tuổi tác mà lấy nhau. Người nghèo không có đồ sinh lễ thì khiến từ trưởng lại trở xuống, ai lấy phải bớt bổng lộc để chẩn cấp giúp họ“ dẫn đến, không chỉ con người “cưới nhau cùng một lúc có tới hơn hai ngàn người”.
Còn ở vùng đất miền Bắc - Việt Nam, tức quận Giao Chỉ , Tích Quang làm thái thú Giao Chỉ từ đời Hán Bình đế ( từ năm một đến năm 5 ) và ở tới năm 34, cũng được nhận xét “ tiếng ngang với Nhâm Diên” khi Tích Quang đón nhận các quý tộc sĩ phu Hán tộc ồ ạt lánh nạn Vương Mãng (năm 8 đến năm 23 ) và tìm cách cướp ruộng đất của các làng xóm Lạc Việt, Âu Việt để cấp cho bọn đó lập trang trại riêng. Như vậy, cả hai viên thái thú này người năm lạng kẻ nửa cân đều ra sức thực thi ráo riết những chính sách đô hộ, đồng hóa, bóc lột các thế hệ cư dân- hâu duệ của quốc gia Văn Lang, Âu Lạc. Chúng còn mở trường học nhằm đào tạo thuộc viên và nô dịch hóa lớp thanh- thiếu niên đương thời. Bộ máy cai trị thực dân được bổ sung và tổ chức lại chặt chẽ hơn. Về mặt quân sự, trước đó ở mỗi quận có viên đô úy trông coi lực lượng vũ trang đồn trú, chức phó là đô úy thừa.
Năm 30 có lệnh bãi hai chức này mà giao cho thái thú kiêm giữ. Vậy là quyền lực của Thái thú được nâng cao hơn trước.
Năm 34, Tô Định được cử sang thay Tích Quang làm Thái thú Giao chỉ.Lúc này nhà Hán đang ở thế thịnh. Hán Quang Vũ kiêu hãnh với hàng loạt chiến công trong và ngoài nước: dẹp Vương Mãng, chiếm Tây Vực, Triều Tiên, thông thương với Ấn Độ, tiếp xúc với La Mã... Quang Vũ “hiếu đại hí công” không muốn để Âu Lạc tồn tại một cách lỏng lẻo - như một thế kỷ qua - trong đế quốc Đại Hán mà muốn đồng hóa nhanh chóng triệt để, bằng mọi cách, kể cả vũ lực. Tô Định chính là kẻ trực tiếp thực hiện chính sách đó.
Bất chấp phong tục, tập quán và truyền thống của người Việt,- mà như Mã Viện sau đó đã nhận xét khi “tâu hơn mười việc về luật người Việt khác với luật người Hán”. Tô Định đã sử dụng luật Hán làm công cụ trấn áp, khủng bố và trên hết là nhằm phủ định sự tồn tại của người Việt.
Bất khuất trường tồn văn hóa Việt
Hơn hai trăm năm ...với tất cả nhưng âm mưu, chính sách đô hộ đồng hóa thâm hiểm và lâu dài như vậy, chính quyền thực dân phương Bắc tham vọng cải, biến, và tận diệt được nền văn hóa của những cư dân Văn Lang, Âu Lac.... phương Nam... Và,Tô Định- đại diện cao nhất của chính quyền thực dân Đông Hán ở đây những tưởng có thể ngủ ngon thì mùa xuân năm 40, Trưng Trắc. Trưng Nhị tổ chức Hội thề khởi nghĩa ở bên dòng sông Hát.
Theo thần tích, từ Hội thề tại cửa sông Hat, vang lên lời hịch thiêng do Trưng Trắc tuyên đọc: “Đến nay, giặc Tô rất mực tham tàn. Rẻ dân đen mà quý voi tê. Khinh hiền sĩ mà trọng chó ngựa. Người tìm vàng rét buốt thấu xương, nứt da, đổi sắc. Kẻ mò ngọc va chạm thuồng luồng, đi trăm về một. Thuế má nặng nề, bồ lẫm sạch trơn. Hình phạt khốc liệt, xóm làng xơ xác. Dân chẳng được yên mà súc vật cũng đều mất chốn dung thân”… Và theo lời sử diễn ca: “Một xin rửa sạch nước thù. Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng".
Đội quân khởi nghĩa ấy, như từ trên trời dội xuống, từ dưới sông vụt lên “ầm ầm binh mã xuống vùng Long Biên …., đuổi ngay Tô Định,dẹp yên Biên thành”. Trong lich sử, cho đến năm 40 chưa có sự kiện nào long trời lở đất đến như vậy Không chỉ biên niên sử nước Việt tự hào“ Trưng Trắc,Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương như trở bàn tay” mà chính sử cổ Trung Hoa cũng phải thừa nhận: “Các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, người Man, Lý đều hưởng ứng. Trưng Trắc chiếm được 65 thành, tự lập làm vua. Thứ sử Giao Chỉ và các Thái Thú chỉ còn biết tự vệ".
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã đánh sụp hoàn toàn hệ thống cai trị của chính quyền thực dân, phủ định quyền nhất thống thiên hạ, đồng hóa văn hóa, nô dịch láng giềng của vương triều Đông Hán.
Ngàn năm còn đó
Qua gần hai thiên niên kỷ tinh thần cuộc khởi nghĩa dân tộc và cuộc kháng chiên vệ quốc vĩ đại của thế hệ Hai Bà Trưng luôn tiềm tàng xuyên suốt qua hành trình của lich sử - văn hóa dân tộc Việt Nam. Tinh thần ấy ẩn tàng trong tâm thức của trên ba trăm cừ súy người Việt - các thủ lĩnh nghĩa quân, tướng lĩnh của Hai Bà và các lạc hầu lạc tướng bị địch bắt , đưa về Trung Quốc, an trí tại Linh Lăng. (Phần đất phía nam tỉnh Hồ Nam ).Tuy bị đày ải biệt xứ, họ vẫn hướng về đất tổ, đã ngang nhiên lập “Miếu Bà Trắc” ở Phía nam hồ Động Đình để tưởng nhớ thủ lĩnh của mình đồng thời cũng là thể hiện ý chí bất khuất của người dân nước Việt…
Khơi nghĩa Hai Bà Trưng đã tiếp truyền nguồn năng lượng suốt trong hành trình vì độc lập tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, thành khi phách “ đạp luồng sóng dữ chém cá kình, không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho kẻ ngoại bang” (Tuyên ngôn của Triệu Thị Trinh- thế kỷ III). Tinh thần ấy vẫn là dòng chảy không ngừng nghỉ ,làm nên sức mạnh để nhân dân ta chiến thắng trong tất cả những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm sau này. Cùng với sự trường tồn của núi sông là sự trường tồn của khí phách, tâm hồn và nền văn hóa Việt. Văn hóa dân tộc là của tất cả cộng đồng cư dân hình thành từ thời mở nước, được đắp bồi qua quá trình hàng ngàn năm dưng và giữ nước. Lời thề thiêng liêng bên bờ sông Hát từ mùa xuân năm 40 còn vang mãi tới hôm nay và đã trở thành một giá trị không bao giờ mất của dân tộc Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét