Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

THỜI HÙNG VƯƠNG QUA TRUYỀN THUYẾT VÀ HUYỀN THOẠI, phần 7

CHƯƠNG V:

ho nên chính sự hiện diện trên thực tế của miếng trầu quả cau ở những vùng thuộc lãnh thổ Văn Lang cũ, đã chứng tỏ thực trạng xã hội Văn Lang. Hoặc ở truyền thuyết “Bánh Chưng, bánh Dầy”, ngoài sự ấn chứng của vua Hùng Vương thứ VI thì toàn bộ nội dung của truyền thuyết không ảnh hưởng gì đến thuyết Âm Dương Ngũ hành nằm ngay trong hai vật lễ thiêng liêng của người Lạc Việt. Còn ở truyền thuyết “Quả Dưa Hấu” thì sự hiện diện của quả dưa hấu không nói lên được điều gì. Do đó, mọi ý tưởng của ông cha đều gửi gấm trong chính nội dung của truyền thuyết này. Bởi vậy, sự tam sao thất bản qua 2000 năm thăng trầm của lịch sử, là một điều cản trở lớn đến việc tìm hiểu những ý tưởng nằm trong truyền thuyết “Quả Dưa Hấu”. Có lẽ bởi vậy, ông cha ta đã tạo nên kết cấu một chiều cho nội dung của truyền thuyết “Quả Dưa Hấu”, khi lưu truyền trong dân gian. Trên thực tế sự tam sao thất bản đã xảy ra cho truyền thuyết này. Vì vậy, trước khi tìm hiểu hàm nghĩa câu truyện, xin được tóm tắt truyền thuyết “Quả Dưa Hấu” như sau:
@ Bắt đầu từ một nhận định của Mai An Tiêm thể hiện nhân sinh quan của chàng, khiến vua Hùng nổi giận đày An Tiêm ra đảo.
@ Ở hoang đảo, An Tiêm đã chứng tỏ trên thực tế nhận định của mình.
@ Vua Hùng gián tiếp thừa nhận quan điểm của Mai An Tiêm, nên đã tha tội cho chàng.
Vì vậy, vấn đề bắt đầu từ một nhận định của Mai An Tiêm thể hiện nhân sinh quan của chàng và đây là điểm cốt lõi của sự việc. Nhưng so sánh “Sự tích Dưa Hấu” chép trong cuốn sách xưa nhất là Lĩnh Nam Chích Quái (LNCQ) (sách đã dẫn) với cuốn sách mới nhất chép lại sự tích này là Hợp tuyển truyện cổ tích Việt Nam (HTTCTVN – Sách dùng trong nhà trường – Nxb Giáo Dục 1996 ) thì câu nói của Mai An Tiêm là nguyên nhân diễn biến toàn bộ câu chuyện lại hoàn toàn khác nhau.
Theo LNCQ thì câu nói của Mai An Tiêm là:
Đó là do tiền thân của ta, đâu phải ân chúa!
Theo HTTCTVN thì câu nói của Mai An Tiêm là:
Của được là của lo, của cho là của nợ.
Thái độ của vua Hùng với cả hai câu nói có nội dung khác nhau này đều là:
Ngài cho Mai An Tiêm là kẻ vô ơn và trừng phạt chàng. Như vậy, tội của Mai An Tiêm thuộc về phạm trù đạo đức. Từ đó dẫn đến một kết cấu vô lý là: không lẽ việc tìm ra quả dưa hấu và sự phú túc của chàng trên hoang đảo, lại chứng tỏ được chàng không vô ơn hay sao? Đây là những ý tưởng rất xa lạ với những giá trị nhân bản được đề cao dưới thời Hùng Vương (sẽ tiếp tục được minh chứng qua các chương sau).
Kết cấu câu chuyện với câu nói của cả hai cuốn sách nói trên, thật là khó lý giải. Nếu không muốn nói là phi lý. Do đó, hoàn toàn có cơ sở cho rằng: cả hai cuốn sách nói trên, chưa phản ánh đúng thực tế câu nói nguyên thủy của Mai An Tiêm trong truyền thuyết.
Với từ “tiền thân”, tức là kiếp trước, nghiệp báo ở câu nói của Mai An Tiêm trong LNCQ, mang nội dung tư tưởng Phật giáo. Sách LNCQ không phải chỉ một lần thể hiện tư tưởng Phật giáo, trong truyện “Nhất Dạ Trạch” cũng có đoạn chép: “Đồng Tử trở về, giảng lại đạo Phật”. Trong khi đó, lịch sử Phật giáo ghi nhận: những dấu ấn chứng tỏ Phật giáo hiện diện ở Việt Nam bắt đầu từ đầu thế kỷ thứ II sau CN. So sánh câu trước của Mai An Tiêm và câu sau khi chàng nói với vợ trên hoang đảo“Trời đã sinh ra ta tất nuôi nổi ta, sống chết bởi trời ta đâu lo lắng!” thì không có sự đồng nhất về ý tưởng: câu trước nói đến tiền thân (kiếp trước), câu sau nói đến ý trời. Như vậy, câu nói của Mai An Tiêm trong LNTQ là do đời sau thêm vào.
Nhưng với HTTCTVN thì câu: “Của được là của lo, của cho là của nợ!” là nguyên văn của câu tục ngữ đã lưu truyền từ lâu trong dân gian. Câu tục ngữ này gồm hai vế. Vế thứ nhất: “Của được là của lo”, mang hàm ý: muốn được của cải để có sự phú túc thì phải biết lo lắng; hoặc là: của tự dưng mà có thì phải lo sợ vì nguồn gốc của nó. Vế thứ hai: “Của cho là của nợ”,mang hàm ý phải biết ơn người đã cho mình của cải (trả ơn, nợ); hoặc là: của tự dưng mà người ta cho mình, không rõ nguyên nhân thì tức là phải nợ người ta một cái gì đó. Nhưng toàn bộ câu thì lại mang hàm ý khuyên không nên mang cái lo và cái nợ vào mình.
Với ý nghĩa trên thì dù Mai An Tiêm là tác giả của câu tục ngữ Việt Nam đó, đáng nhẽ chàng phải từ chối những của cải mà vua Hùng ban cho chàng. Nhưng ngay cả khi từ chối của cải của vua ban, chàng cũng không thể nói câu đó. Bởi vì quan hệ của chàng với vua Hùng – ngoài quan hệ cá nhân – còn là trách nhiệm của người dân đối với đất nước mà vua Hùng là đại diện. Nếu cho rằng Mai An Tiêm là người ngoại quốc, nên không có trách nhiệm với một quốc gia không phải quê hương ông. Nhưng ít nhất cũng phải tồn tại một giá trị đạo lý về tình người và cái nghĩa đối với một quốc gia đã dung nạp mình, khi vua Hùng đã dành nhiều ân sủng cho Mai An Tiêm. Như vậy, chứng tỏ câu nói này của Mai An Tiêm trong HTTCTVN cũng là sự nhầm lẫn, do cách hiểu về nội dung và truyền thuyết nói trên.
Sự sửa chữa của đời sau theo cách hiểu của thời đại đó được chứng minh ở trên, là một yếu tố chứng tỏ rằng: truyền thuyết “Sự tích Dưa Hấu” cũng như toàn bộ truyền thuyết về thời Hùng Vương, đều đã tồn tại và phổ biến từ rất lâu trong văn hoá dân gian như một hiện tượng xã hội, nên đã được các học giả Việt Nam ở thế kỷ XIV sưu tầm, tìm hiểu chứ không phải là những câu chuyện được tạo dựng vào thế kỷ này như một số nhà nghiên cứu quan niệm. Bởi vì, nếu là một câu chuyện được tạo dựng thì ít nhất nó cũng bảo đảm được tính nhất quán cho nội dung câu chuyện, dù ở bất cứ trình độ nào.
Nhưng, câu nói thực sự của Mai An Tiêm trong truyền thuyết nguyên thủy về “Quả Dưa Hấu” là gì?
Như phần chứng minh ở trên thì cả hai câu trong cuốn sách cổ nhất và mới nhất, đều không phải đích thực câu nói nguyên thủy của Mai An Tiêm trong truyền thuyết. Nhưng cả hai câu đều mang hàm ý triết lý về nhân sinh quan. Như vậy, nó phải là sự thay thế sai lầm cho một câu triết lý phản ánh nhân sinh quan của Mai An Tiêm. Quan điểm của Mai An Tiêm đã được chứng thực ở đoạn sau, nên đã được vua Hùng gián tiếp thừa nhận bằng cách tha tội cho chàng. Do đó, có thể căn cứ vào diễn biến nội dung của đoạn sau để suy đoán câu nói của Mai An Tiêm ở đoạn trước. Đoạn này có những tình tiết như sau:
@ Mai An Tiêm và gia đình bị đày ra một đảo hoang, nhưng chàng vẫn chấp nhận và sẵn sàng cho cuộc sống của mình. Điều này chứng tỏ chàng vẫn tự khẳng định mình.
@ Mai An Tiêm gặp may vì có con chim trắng từ phía Tây mang đến cho gia đình chàng những hạt giống dưa. Sự gặp may của Mai An Tiêm - theo cách nói của người xưa - tức là trời cho. Nhưng nếu Mai An Tiêm không tự khẳng định mình bằng sự cố gắng của con người thì không có sự may mắn đó.
Như vậy trong trường hợp của Mai An Tiêm chứng tỏ rằng: con người và hoàn cảnh là hai yếu tố cấu thành nên số phận. Phải chăng, qua truyền thuyết Dưa Hấu, tổ tiên ta đã nhắc nhở con cháu đời sau về khả năng của con người trong việc khắc phục hoàn cảnh.
Trong nội dung câu chuyện, sự tức giận của vua Hùng rất có khả năng ngài thiên về phía thiên mệnh (số phận – đây có thể chỉ là một tình tiết hư cấu để tạo nội dung cho câu chuyện, trên thực tế chưa hẳn vua Hùng đã ủng hộ thuyết thiên mệnh. Bởi vì, nếu có sự ủng hộ đó thì đã không có câu chuyện này). Với sự chứng minh ở phần trên – nền văn minh Văn Lang đã phát hiện quy luật vận động của các thiên thể và những hiệu ứng vũ trụ tác động tới tự nhiên, cuộc sống và tâm sinh lý của con người – nên ông cha ta thường có những dự đoán tương lai trên cơ sở quy luật đã nắm bắt được (Trù thứ bảy – Kê Nghi trong Hồng phạm cửu trù thể hiện điều này). Nhưng cũng không cho sự dự đoán là tuyệt đối (nếu ba người cùng bói thì theo hai người – Hồng phạm).
Do đó, câu nói của Mai An Tiêm và diễn biến hợp lý nhất phải mang một nội dung như trên. Thí dụ có thể là:
“Tất cả do trời định và sự cố gắng của bản thân nên mới được như vậy!”. Vua Hùng buộc chàng phải chứng minh điều này. Chàng đã chấp nhận, cùng vợ con ra đảo để chứng tỏ quan điểm của mình. Do đó câu nói của Mai An Tiêm trên hoang đảo (trong Lĩnh Nam chích quái, sách đã dẫn) phải điều chỉnh lại như sau: “Trời đã bắt ta như vậy thì chỉ còn cách cố gắng, lo lắng cũng vô ích!”. (So với câu này trong Lĩnh Nam chích quái là: “Trời sinh ra ta, sống chết bởi trời ta đâu lo lắng!”).
Với sự hiệu chỉnh trên thì kết cấu câu chuyện sẽ hợp lý, ít nhất cũng là với nội dung của câu chuyện đã được sửa đổi. Để độc giả tiện minh xác, xin chép lại câu chuyện từ Lĩnh Nam chích quái (sách đã dẫn) với hai câu nói của Mai An Tiêm đã sửa đổi (những chỗ nào sửa, được in bằng chữ đậm và kèm nguyên văn bản cũ trong ngoặc, bên cạnh).
Truyện Dưa Hấu
Về đời Hùng Vương có viên quan tên là Mai Tiêm, vốn người ngoại quốc. Khi lên 7, 8 tuổi, vua mua từ thương thuyền về làm nô bộc. Kịp tới khi lớn lên diện mạo đoan chính, nhớ thuộc sự vật, vua ban tên cho là Mai Yển, hiệu An Tiêm, lại ban cho một người thiếp. Tiêm sinh hạ được một trai, một gái. Vua rất tin yêu, giao cho công việc, dần dần trở nên yêu quí, bổng lộc rất nhiều.
An Tiêm là người tự tin thường nói rằng: “Tất cả do trời định và sự cố gắng của bản thân nên mới được như vậy” (Sau, Tiêm đâm ra kiêu căng ngạo mạn, thường nói rằng: “Đó đều do tiền thân của ta, đâu phải do ơn chúa”). Vua nghe nói cả giận phán: “Nay ta đưa ngươi ra một nơi không có người giữa bể, xem người chứng tỏ những ý nghĩ của ngươi như thế nào?” (Vua nghe nói cả giận, phán: “Làm thần tử của người mà kiêu căng ngạo mạn, không biết ơn chúa, lại nói đều là vật tiền thân! Nay đưa nhà ngươi ra một nơi không có người giữa bể, xem có còn vật tiền thân không?”). Bèn đưa (đày) ra cửa biển Nga Sơn (còn gọi là Giáp Sơn) bốn bể toàn cát và nước, không có vết chân người qua lại, ban cho một số lương thực đủ bốn năm tháng để cho ăn (hết thì chết).
Vợ Tiêm than khóc, Tiêm cười mà bảo: “Trời đã bắt ta như vậy, chỉ còn cách cố gắng, lo lắng cũng vô ích!” (“Trời đã sinh ta tất nuôi nổi ta, sống chết bởi trời, ta đâu lo lắng”). Bỗng thấy một con bạch trĩ từ phương Tây bay lại đậu ở đầu núi, kêu ba bốn tiếng. Sáu bảy hạt dưa theo tiếng kêu mà rơi xuống cát, mọc lên xanh rì rồi kết thành quả.
An Tiêm mừng rỡ mà nói: “Đây không phải là quái vật mà là trời cho để nuôi ta đó”. Bèn bổ ra mà ăn, thấy vị mát ngọt, tinh thần sảng khoái, mới giữ lấy hạt, năm sau đem trồng. Ăn hết, lại đem đổi lấy gạo nuôi vợ con. Tiêm không biết gọi là quả gì, nhân vì chim trĩ ngậm hạt từ phương Tây bay tới nên gọi là quả Tây Qua.
Phường chài phường buôn đều cho là ngon. Những người ở thôn xóm xa gần đều mua để lấy giống. Sau vua nghĩ tới Tiêm, cho người đến xem An Tiêm sống ra làm sao (còn sống hay đã chết). Người đó về tâu lại với vua, vua thở dài mà than rằng: “Điều hắn nói quả thật không ngoa” (“Hắn nói là vật tiền thân, điều đó thật không ngoa”). Bèn xuống chiếu gọi về cho phục chức cũ, lại cấp cho nô tì; gọi bãi cát Tiêm ở là bãi An Tiêm, làng đó gọi là làng Mai Thôn. Có người lại suy tôn cha mẹ ông bà An Tiêm mà cho rằng nơi họ ở là châu An Tiêm thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Như vậy với nội dung của câu chuyện thì thuyết “Thiên nhân hợp nhất” cho rằng gốc ở Trung Hoa (do Đổng Trọng Thư người thời Hán đề xướng), thực ra đó là thuyết đã có từ thời Hùng Vương. Hùng Vương tha tội cho An Tiêm, chứng tỏ đã dung nạp thuyết này. Từ sự hình thành nhân sinh quan “Thiên nhân hợp nhất” dẫn đến một ý niệm tín ngưỡng về sự hòa nhập cuộc sống của con người với thiên nhiên trong “Sự tích Đầm Nhất Dạ” là một khoảng cách ngắn (xin xem chương sau: “Sự tích Đầm Nhất Dạ”).
Trong “Sự tích Dưa Hấu” có những tình tiết rất đáng chú ý: Mai An Tiêm là người ngoại quốc, vậy phải chăng truyền thuyết “Quả Dưa Hấu” đã chứng tỏ sự tiếp thu của vua Hùng đối với những tinh hoa văn hóa bên ngoài. Do đó, vua Hùng đòi hỏi phải có sự chứng minh trên thực tế. Ý tưởng của câu chuyện không phải chỉ dừng lại ở đấy, mà còn chứng tỏ một quan hệ ngoại giao rộng rãi của Văn Lang với các quốc gia lân bang. Hình ảnh con chim trắng từ phía Tây bay lại, điều này có thể suy diễn như sau: màu trắng của con chim thuộc hành Kim, chủ phương Tây. Hướng của con chim bay từ phía Tây lại chứng tỏ rằng những ý tưởng của văn minh bên ngoài du nhập vào Văn Lang từ những quốc gia phía Tây. So sánh những quốc gia cổ đại có nền văn minh phát triển vào khoảng giữa thời Hùng Vương có khả năng truyền bá văn minh của mình ở phía Tây Văn Lang, rất có khả năng là Ấn Độ hoặc những nước có ảnh hưởng nền văn minh này ở phía Tây Văn Lang.
Nếu giả thuyết trên là đúng thì điều này giải thích sự có mặt của những chiếc trống đồng Văn Lang, nằm rải rác ở một số vùng Đông Nam Á không thuộc lãnh thổ Văn Lang: nếu không phải do buôn bán thì cũng là một tài sản do sự di trú của người Lạc Việt mang theo khi Văn Lang bị tiêu diệt. Với cả hai lý do trên thì cũng chứng tỏ quan hệ láng giềng trước đó của Văn Lang.
Sự tích về quả dưa hấu chứng tỏ quan hệ ngoại giao của Văn Lang với các nước láng giềng, một yếu tố không thể thiếu được để chứng tỏ sự phát triển của nền văn minh và sự phú túc, hùng mạnh của xã hội Văn Lang.
Sự tích Dưa Hấu có thể còn chứa đựng nhiều sự bí ẩn, đề cập đến nhiền vấn đề qua hình tượng được ông cha ta lựa chọn để chuyển tải cho đời sau. Quả Dưa Hấu có thể là một biểu tượng của vũ trụ, những hạt dưa được xem là những ngôi sao trên bầu trời. Qua câu truyện “Sự tích Dưa Hấu” có thể chứa đựng ẩn ý nói đến nguồn gốc nền văn minh Văn Lang trước khi xuất hiện ở phía Nam Động Đình Hồ (chim trắng mang hạt dưa từ phía Tây bay lại). Nguồn gốc phương Tây của quả dưa hấu còn liên quan đến những truyền thuyết khác: thí dụ như việc Lão Tử về cuối đời, cưỡi trâu xanh đi về phía Tây; hoặc như kinh Vệ Đà của đạo Bà La Môn một triết thuyết cổ Ấn Độ, có những dấu ấn gần giống với quan niệm giải thích về bản nguyên vũ trụ của nền văn minh Văn Lang qua câu tục ngữ “Mẹ tròn con vuông”; mặc dù từ một ý niệm gần giống này sự phát triển của Kinh Vệ Đà đi theo xu hướng tôn giáo; hay như trong kinh Dịch, tiết 5 thuyết Quái truyện viết: “Thuyết ngôn hồ Đoài” (Vui vẻ nói ở Đoài). Trong kinh Dịch cung Đoài có phương vị ở phía Tây.
Phải chăng từ trước những nền văn minh tối cổ như Văn Lang, Ai Cập, Ấn Độ, Hoa Hạ... đã tồn tại một nền văn minh rực rỡ của nhân loại và nền văn minh đó đã bị hủy diệt? (*)
* Chú thích: Ý tưởng này được phát triển và liên hệ rõ hơn trong “Tìm về cội nguồn Kinh Dịch”, Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Nxb Đại học Quốc gia T/p HCM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét