Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Thời Hùng Vương - Văn Hóa Đông Sơn, phần 1


Thời Hùng Vương - Văn Hóa Đông Sơn

1.1 Định vị văn hóa Đông Sơn

1.1.1 Chủ thể


Văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa bản địa, nền tảng đầu tiên của văn hóa Việt Nam. Tìm hiểu về chủ thể văn hóa Đông Sơn cũng chính là tìm hiểu về chủ thể văn hóa Việt Nam. Có thể khẳng định, chủ thể của văn hóa Việt ra đời trong phạm vi của trung tâm hình thành loài người ở phía đông và trong khu vực hình thành của đại chủng phương Nam. Quá trình này có thể chia làm 3 giai đoạn. 

-Giai đoạn 1: qua các di vật khảo cổ khẳng định con người đã xuất hiện ở địa bàn Việt Nam 30-40 vạn năm trước (Lạng Sơn, Thanh Hóa…) thuộc chủng phương Nam (Negrito, Melanesien). Đến thời đá giữa (10 000 năm BP) có một dòng người từ Tây Tạng thiên di về phía Đông Nam, đến Đông Nam Á đã hợp chủng với dân Melanesien bản địa hình thành chủng Indonesien (cổ Mã Lai). 

-Giai đoạn 2: từ cuối thời đá mới, đầu thời đại đồ đồng (5000 năm BP) trên địa bàn Nam Trung Hoa và Bắc Đông Dương đã diễn ra sự hợp chủng trên cơ sở tiếp xúc lâu dài hình thành chủng người mới là Austroasiatic (chủng Nam Á) với các nét đặc trưng Mongoloid nổi trội nên được xếp vào Mongiloid phương Nam.

-Giai đoạn 3: thời kỳ sau, chủng Austroasiatic được chia tách thành một loạt các chủng tộc trong đó có Bách Việt như Lạc Việt, Âu Việt, Mân Việt, Nam Việt… sinh sống khắp khu vực Nam sông Dương Tử và Bắc Trung Bộ. Quá trình này chia tách tiếp tục để hình thành các dân tộc cụ thể như Việt, Mường, Thái…

Trên nền tảng chủng Austroasiatic (gần hơn nữa là Bách Việt) đã có sự khác nhau về địa bàn cư trú đã hình thành sự giao lưu của người Đông Sơn giữa các nhóm bộ tộc ở vùng trung du với vùng biển và đồng bằng, tạo nên những đặc điểm văn hóa nổi bật thể hiện qua những di tích mộ thuyền, nhà sàn, đồ gốm, công cụ sắt đồng đá… và những truyền thuyết như Con Rồng Cháu Tiên, Sơn Tinh Thủy Tinh… Họ có nền văn hóa phát triển với những nhận thức đầu tiên về thế giới, tổ chức cộng đồng, ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội

1.1.2 Không gian

Văn hoá Đông Sơn là nền văn hoá đồ đồng và đồ sắt sớm trải dài và rộng khắp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam ( Phú Thọ, Yên Bái, Hoà Bình, Hà Tây, Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) dọc theo ba con sông chính của đồng bằng Bắc bộ là sông Hồng, sông Mã và sông Lam. Nhiều dấu tích đặc trưng cho văn hoá Đông Sơn cũng đuợc tìm thấy ở một số vùng lân cận Việt Nam như Vân Nam, Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc , ở Lào hay Thái Lan… 

Khu vực phân bố chính của văn hoá Đông Sơn thuộc lưu vực ba con sông Hồng, sông Mã, sông Lam và ta có thể phân chia thành ba loại hình văn hoá chính là Loại hình sông Hồng, loại hình sông Mã, loại hình sông Lam.


-Loại hình sông Hồng: địa bàn chủ yếu là vùng miền núi phía Bắc, vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ, với trung tâm là làng Cả (nay là thành phố Việt Trì); đặc trưng của loại hình này là sự phong phú, đa dạng, mang nhiều sắc thái địa phương rõ rệt.

-Loại hình sông Mã: Địa bàn phân bố của loại hình chủ yếu thuộc lưu vực sông Mã, sông Chu, ranh giới phía Bắc của nó tiếp giáp với địa bàn của Văn hóa Đông Sơn loại hình sông Hồng. Trung tâm là làng Đông Sơn. Đặc trưng của loại hình sông Mã mang đặc trưng của Văn hóa Đông Sơn điển hình. Đặc biệt những đồ đồng thuộc trung tâm Đông Sơn là tiêu chí để nhận biết cho đồ đồng thuộc các loại hình địa phương khác hay để phân biệt giữa Đông Sơn với những nền văn hóa kim khí khác.

-Loại hình sông Lam (Cả): Trung tâm là làng Vạc (Nghĩa Đàn, Nghệ An). Đặc trưng cơ bản của loại hình này là có sự giao lưu mạnh mẽ với văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hóa Điền (Vân Nam, Trung Quốc), đồng thời cũng mang những nét đặc trưng riêng biệt, nằm trong tổng thể nhất quán của Văn hóa Đông Sơn.

Cac di vật thời Đông Sơn được tìm thấy rải rác ở các tỉnh thành khắp khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với số lượng nhiều, phong phú và đa dạng thể hiện sự phân bố cư dân theo hưởng không gian mở rộng tạo nên sự đa dạng nhưng thống nhất của nền văn hóa

1.1.3 Thời gian

Trong quá trình hình thành lịch sử của dân tộc, có ba nền văn hóa khảo cổ được xem là cái nôi của văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, hình thành nên “Tam giác văn hóa” đó là: Văn hóa Đông Sơn (TK VII TCN – TK II), văn hóa Sa Huỳnh (TK X TCN – cuối TK II), văn hóa Đồng Nai (TK VI TCN– TK II). Trong ba nền văn hóa trên thì sự phát triển của nền văn hóa Đông Sơn đã dẫn đến sự hình thành quốc gia Văn Lang rồi Âu Lạc, nhà nước đầu tiên ở Việt Nam nói riêng và cả Đông Nam Á nói chung. Nền văn hóa này giữ vai trò là chủ thể của người Việt, sau mười thế kỉ nội thuộc đã phục hưng và phát triển thành nền văn hóa Đại Việt.

Thời gian hình thành nền văn hóa Đông Sơn là một giai đoạn lịch sử khá dài với những công cuộc khảo cổ khá công phu:

- Năm 1924, bên bờ sông Mã trong những bãi bờ bị sạt lở tình cờ một người nông dân làng Đông Sơn thuộc xã Đông Sơn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay là phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa đã ngẫu nhiên tìm thấy một số đồ đồng, được xem là địa điểm đầu tiên phát hiện bộ sưu tập di vật thời đại kim khí ở Việt Nam.

-10 năm sau đó, năm 1934 nhà khảo cổ người Áo tên là R.Heine – Geldern đã đề nghị lấy tên ngôi làng Đông Sơn để gọi tên cho nền văn hóa thuộc thời đại kim khí cách đây 2000 – 3000 năm này là “ Văn hóa Đông Sơn ”. Kể từ đó đến nay Văn hoá Đông Sơn được biết rộng rãi trên toàn thế giới.

Qua quá trình khai quật và nghiên cứu các nhà khảo cổ học đã chứng minh rằng: Văn hóa Đông Sơn là một giai đoạn phát triển đỉnh cao trong nền văn minh Sông Hồng (từ đầu thiên niên kỉ thứ II TCN – cuối thế kỉ II CN). Có thể chia thành ba giai đoạn phát triển như sau: 

-Giai đoạn đầu (giai đoạn sớm): thế kỷ VIII-VI TCN

-Giai đoạn giữa (giai đoạn điển hình): thế kỷ V-III TCN

-Giai đoạn cuối (giai đoạn muộn): từ thế kỷ II BC đến thế kỷ II CN 

Văn hóa Đông Sơn là thời kì kế thừa của các nền văn hóa Hòa Bình (có niên đại khoảng 18000 – 7500 BP thuộc thời đá mới), văn hóa Phùng Nguyên (có niên đại 4000 BP), văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun.


Và văn hóa Đông Sơn có quan hệ mật thiết với các nền văn hóa phát triển cùng thời ven biển đông như văn hóa Sa Huỳnh (ở Trung Nam bộ) và phức hệ văn hóa Đồng Nai (ở lưu vực sông Đồng Nai, Vàm Cỏ ).

Niên đại văn hóa Đông Sơn là nền văn minh thuộc thời Đồng thau và Sắt sớm cách nay trên dưới 2000 năm của một nhà nước hùng mạnh dựa trên một nền nông nghiệp lúa nước phát triển, kỹ nghệ đức đồng hoàn hảo, bên cạnh những ngành nghề thủ công đặc sắc của một công đồng cư dân có đời sống văn hóa tinh thần đa dạng, cơ cấu tổ chức xã hội cao.

Mặc dù có những nét độc đáo riêng song văn hóa Đông Sơn vẫn mang nhiều điểm đặc trưng của văn hóa vùng Đông Nam Á. Đây là thời kì ra đời nền văn minh lúa nước và nhà nước phôi thai đầu tiên của Việt Nam dưới hình thức cộng đồng làng.

Giai đoạn cuối của nền văn hóa Đông Sơn kéo dài đến vài ba thế kỉ sau CN. 

Sau 80 năm kể từ ngày khai quật và khám phá thì đến nay đã có hơn 200 di tích và hàng vạn di vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn đã được phát hiện, nghiên cứu và lưu giữ tại nhiều bảo tàng lớn thuộc nhiều quốc gia trên thế giới.

1.2 Văn hóa vật chất 

1.2.1 Môi trường tự nhiên 

Các hình khắc trên trống đồng về thế giới tụ nhiên động thực vật thời Đông Sơn được thể hiện dưới dạng cách điệu khá cao nhưng ta vẫn có thể hiện thấy được phần nào bức tranh hiện thực sống động đương thời. Con người Đông Sơn sống hòa hợp với môi trường thiên nhiên qua những bố cục bức tranh trên mặt trống đồng. Có một số loài chim thuộc bộ cò (ciconiiformes) gồm cò, vạc, diệt, cò thìa, bồ nông (pelecanidae), xít (porphyrio porphyrio)… là những nhóm chim di trú thường bay từ phương Bắc về trú đông ở miền Bắc nước ta trong những vùng đầm lầy cửa sông. Các loài chim khác còn có công (pavo munticas) gà lôi (lophura nycthemera) gà (gallus gallus) gõ kiến (picidae). Đây là những loài chim khá phổ biến ở nước ta cũng như vùng Đông Nam Á. 

Về các loài thú thì có hươu sao (cervus nippon) bò bướu (bos indicus) chò nhà (canis familiaris) voi thuần (elephas maximus) hổ, báo (felis tigris? Felis pardus) cáo? (vulpes) cá sâu (crocodyla) cóc, ếch nhái (rana sp. Bufo sp). Một số loài cá có hình khắc như không thể xác định loại cá nào tuy chúng giống cá diếc.

Các tượng và hình khắc đã cho ta thấy rõ thêm về mối quan hệ chặt chẽ giữa người Đông Sơn và thế giới động vật. Những hình và tượng đã thể hiện khả năng quan sát tinh tế môi trường tự nhiên của cư dân nông nghiệp và cư dân giao lưu trên sông nước, sống một cuộc sống lênh đênh nay đây mai đó và nắm vững được các quy luật về thời tiết, về mùa di cư của các động vật… Cũng từ những tư liệu loại này ta có thể hình dung ra lịch sử thuần hóa và nhập nội một số loài động vật như việc nuôi chó nhà, thuần voi và có thể cả việc di nhập một số giống vật thuần như bò bướu, chó săn…
Về các loài thực vật thì chỉ có hình tượng hoa sen, lá đề, gié lúa… được khác họa trên những loại trống đồng giai đoạn muộn khi Phật giáo đã có ảnh hưởng đối với người Việt. 

Quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên xung quanh là sự hài hòa, thân thiện. Những hoa văn khắc trên trống đồng thể hiện cảnh lễ hội con người nhảy múa, chim bay đậu, hươu chạy… là minh chứng rõ ràng. Lúc này thiên nhiên vẫn còn tương đối nguyên vẹn, chưa bị khai thác đến mức tuyệt chủng một số loài động thực vật. 


1.2.2 Mưu sinh và ẩm thực 

Điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu ổn định có tính chất nhiệt đới với lượng mưa và nhiệt độ cũng như yếu tố đất đai đồng bằng châu thổ màu mỡ, thiên nhiên Đông Sơn phong phú, đa dạng với các chủng loại động thực vật nêu trên đã giúp cư dân Đông Sơn định canh định cư sớm và hình thành một nền nông nghiệp phát triển. Có thể nói người Đông Sơn là cư dân nông nghiệp lúa nước truyền thống. 

Qua những tài liệu khảo cổ, dân tộc học… cho thấy ở thời Đông Sơn đã có nhiều loại lúa nếp, lúa tẻ, lúa sớm, lúa muộn, lúa mùa và một loại lúa đặc biệt có khả năng chịu hạn, đó là lúa chiêm. Sách Lĩnh Nam chích quái cho biết đôi nét về đồ ăn thức uống của người Việt hồi quốc sơ khi mới dựng nước như sau: “…lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung lư làm cơm, lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm; lấy rễ gừng làm muối, cày bằng dao, trồng bằng lúa, sản xuất nhiều lúa nếp, lấy ống tre mà thổi cơm”. Người Việt cổ còn trồng bầu, bí, cúc, đậu, trám, na, cà, củ kiệu, rau cải, dưa hấu, khoai lang, măng… Đặc biệt là các loại củ có chứa chất bột như quang lang (tức củ báng), sách Di vật chí của người Trung Quốc viết: “Trong ruột có bột trắng, đem giã nhỏ, nhào với nước thì như bột mì, có thể làm bánh”. Cũng sách này có đoạn ghi chép về cây khoai môn: “Cam chư tựa loài khoai sọ, củ to, bóc vỏ đi thấy ruột trắng như mỡ, người Nam chuyên lấy thức này ăn thay gạo”

Các gia súc nhỏ như lợn, gà, chó… là hình ảnh được khắc trên trống đồng hay tượng tròn trang trí trống, chứng tỏ người Đông Sơn đã có hình thức chăn nuôi tại gia, việc này phải xuất hiện từ thời tiền Đông Sơn vì đến thời Đông Sơn những con vật này mới trở thành hình tượng quen thuộc gần gũi để đi vào nghệ thuật. 

Việc thuần dưỡng voi làm phương tiện chuyên chở và cúng vật được nói nhiều trong các thu tịch. Hình tượng voi trên trống và trên cán dao cũng cho thấy sự phổ biến này. Hình tượng bò trên các trống đồng cũng cho thấy người Đông Sơn có thể đã dùng chúng để làm sức kéo hoặc vật hiến tế trong nghĩ lễ. Có thể cư dân đương thời đã sử dụng trâu bò để kéo cày trong nghiệp. Cổ thư Trung Quốc có nói tới việc Cửu Chân không cày bằng trâu bò nhưng không nhắc đến Giao Chỉ, và Giao Chỉ cũng thường tiếp tế lương thực cho Cửu Chân.

Nền nông nghiệp Đông Sơn phải cung cấp lượng sản phẩm đủ nuôi sống một xã hội đông đúc thì sự phát triển của những giá trị văn hóa tinh thần mới cao được như phần trên đã trình bày. Khi nông nghiệp phát triển thì sẽ có một bộ phận những cư dân tích khỏi việc đồng án làm những nghề khác phục vụ cho cuộc sống. Bộ phận đầu tiên đó là những người thợ luyện kim. Họ chế tạo công cụ lao động, đúc những chiếc trống đồng với trình độ tay nghề bậc thầy. 

Sự phát triển của nghề đánh bắt cá được hỗ trợ bằng những bằng chứng nói lên sự phát triển của thuyền bè. Các hình tượng thuyền trang trí trên trống đồng nói lên vai trò quan trọng của nói trong cuộc sống người Đông Sơn, cho thấy khả năng đóng được những con thuyền lớn, đẹp được trang trí hình đầu rắn – chim bởi những bàn tay tài hoa của người thợ mộc Đông Sơn. Có ý kiến cho rằng đó là những con thuyền vượt biển. Đó cũng là điều có thể. Chúng ta nhận thấy rằng với kỹ thuật đóng thuyền thành thục như vậy thì không thể không góp phần phát triển nghề đánh bắt thủy sản. 

Để đúc được những chiếc trống đồng phải có một tổ chức chuyên đức trống với những nghệ nhân lành nghê dật trình độ điêu luyện dưới sự chỉ huy của một thủ lĩnh nào đó hoặc là người có uy tín trong cộng đồng. Có thể suy luận rằng đã có một tổ chức như những phường hội chuyên làm một nghề hình thành vào thời Đông Sơn. 

Nghiên cứu những địa điểm xuất hiện trống đồng Đông Sơn và những công cụ bằng đồng, chúng ta nhận thấy rằng phần lớn những hiện vật này xuất hiện dọc theo triền những con sông lớn ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trống đồng rất có thể được vận chuyển bằng đường thủy (trên một số thuyền của trống Hoàng Hạ, Ngọc Lũ thấy mặt trống đồng H1 ở gầm sàn, dưới chân người bắn cung) mà một động mạch giao thông quan trọng nhất là sông Hồng. Nó nối liền miền Bắc Việt Nam với nước Điền ở Vân Nam thời cổ đại. Trống ocnf theo đường biển đến các vùng xa hơn nữa như Malaysia, Indonesia…

Sự tăng trưởng của hoạt động trao đổi buôn bán sẽ kích thích sự phát triển sản xuất nông nghiệp, thù công ngiệp và ngược lại. Kết quả là trong cư dân xuất hiện sản phẩm thừa, điều kiện cần thiết cho cho việc tích lũy sản phẩm và phân hóa giai cấp. 
1.2.3 Trang phục

Xem xét các di vật mô tả hình người Đông Sơn tìm được như: hình khắc trên trống đồng, cán dao, tượng tròn ta sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về trang phục của cả nam và nữ thời Đông Sơn.

-Trang phục nữ: tác giả Ngô Đức Thịnh dẫn chứng các hình ảnh trên các hiện vật khảo cổ như trống đồng, tượng đồng, đồ gốm... giúp người thời nay hình dung ra trang phục tổ tiên xưa. Phụ nữ mặc váy dài chấm gót hoặc dài qua đầu gối chân. Áo có loại cọc tay hoặc dài tay, bó sát thân người, có loại áo cánh ngắn cổ vuông hở một phần vai và ngực. Những người giàu có thì trang phục đa dạng và hoàn chỉnh hơn với váy may hình ống hay váy mảnh; áo cánh xẻ ngực mặc ngoài, không cài khuy. Hoa văn được tạo bằng các thêu hay dệt trực tiếp từ sợi vải nhuộm màu. Cách mặc gần giống những phụ nữ Kinh, Mường gần đây. Các loại yếm buộc dây phía sau cổ và lưng cũng đã có từ thời này. Trong những ngày lễ hội, phụ nữ được hoá trang, chiếc váy vải thường ngày được thay bằng váy lông chim hay váy lá, váy sợi cây, trang trí hoa văn. Trước và sau váy có miếng vải đệm và cạp váy được dệt hoa văn tinh xảo. 

-Trang phục nam: hình ảnh trên các tượng tròn, hoa văn trống đồng cho ta thấy nam giới đóng khố quấn ngang hông, cởi trần là việc phổ biến trong các hoạt động như đi đồng, chài lưới, đánh trận, có áo chui đầu có hoa văn trang trí. Khố có hai loại: kiểu quấn đơn và kiểu quấn kép ít gặp hơn. Trong những dịp lễ hội trang phục nam cũng cầu kỳ hơn, có áo và tấm choàng được trang trí lông chim, bông lau. Các hình khắc trên mặt trống đồng mà nhà nghiên cứu cho là vũ công trong các dịp lễ hội vẽ một loại trang phục xẻ vạt trước và sau, cho nên đây có thể là sự thể hiện trang phục nam trong các dịp lễ hội. 

Ngoài trang phục thường ngày và lễ hội còn một loại trang phục dùng trong thời chiến với những tấm hộ tâm phiến hay tấm chắn đeo trước ngực với hoa văn trang trí hình người chèo thuyền, chữ X… bằng đồng được tìm thấy ở nhiều di chỉ từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn, những bao tay, bao chân cũng được tìm thấy. Có thể hộ tâm phiến bằng đồng chỉ dùng cho tướng lĩnh, còn binh lính thì bằng gỗ. 

Tấm choàng trên hoa văn trống đồng Ngọc Lũ, Sông Đà, Cổ Loa, Quảng Xương, Đào Thịnh và truyển thuyết Mỵ Châu Trọng Thủy với “áo lông ngỗng” cho ta thấy đây là trang phục phổ biến ở cả nam và nữ trong mùa lạnh để chống lại cái rét. Loại áo này ở tầng lớp trên của xã hội có thể phổ biến hơn với những chết liệu quý như lông chim, bông, tơ lụa. Tầng lớp dưới thì bằng vỏ cây, sợi đay, gai. 

Về khăn quấn đội đầu thì tượng Người cầm đèn tìm thấy ở Lạch Trường, đầu đội mũ tròn có gù và đai vòng trang trí bằng kim loại. Đối với nữ các hình trên tượn tròn, cán dao… cho thấy có một loại khăn quấn hoặc mấn làm từ nhiều lắm vải, có gắn lông chim công hoặc chim trĩ. Các loại mũ trong dịp lễ hội xem xét qua các hình vẽ trên trống đồng cũng có nhiều loại, theo hình vẽ khảo sát được thì có khoảng 5 loại khác nhau.

Đầu tóc: 5 kiểu: cắt ngắn thuận lợi cho việc đi rừng, bơi xuồng (Đào Thịnh), tóc xõa ngang vai, búi tó (Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa), tết bím đuôi sam thả tử đỉnh đầu xuống vai (Tạng-Miến), cuốn tóc ngược đỉnh đầu tạo thành búi lớn, cuốn khăn qua trán (cán dao Thủy Nguyên, Làng Vạc, Núi Nưa) 
4.4 Nhà ở

Trên trống đồng Đông Sơn có 2 loại nhà: có loại nhà sàn mái cong, loại nhà hai mái hình thang ngược buông xuống gần sát đất, nóc nhà là cạnh đáy lớn. Kiểu mái này hoàn toàn ngược hẳn mái nhà đất của người Việt sau này có cạnh đáy nhỏ ở phần nóc. Rìa mái có tua suy có thể suy đoán chất liệu lớp là rơm rạ. Nhà có 4 cột chính, có cầu thang. Nhờ mái nàh hình thang ngược nên tạo thành 2 đầu hồi rộng người ta có thể dùng để đồ đạc là trống , thạp, chày cối… (như hình khắc trên trống Ngọc Lũ) hay dùng làm nơi sinh hoạt, hình người ngồi bệt, chân duỗi thẳng, phía trước mặt có dụng cụ làm việc (ở dưới chái nàh sàn trống Hoàng Hạ, Cổ Loa…) có thể là người ngồi dệt vải hay giã cối, hay cầm gậy, có ý kiến cho là ngồi đánh trống nhưng chưa thỏa đáng vì không thấy trống và gậy thì không được thể hiện như những chiếc gậy đánh trống trong các hình khắc khác. Gậy này có phần thân gần đầu gậy phình tròn ra trong khi những hình khác chỉ là một đoạn thẳng trơn. Dưới chái nhà có nhốt giữ gia súc. Nhà sàn được trang trí đẹp mắt, hai đầu đao cong vút cầu kỳ, xung quanh rìa mái trang trí thành những chấm, những vòng tròn đồng tâm, tam giác đồng tâm. Đặc biệt trên mái nàh có hình động vật, là hình chim 1-2 con. Nhưng trên trống Cổ Loa I là con vật lạ hình trơn không có lông, đuôi dài uốn cong, 4 chân, miệng nhọn. 

Những nhà mái cong thể hiện trên các trống đồng giống nhau về đại thể tuy có vài chi tiết khác. Có lẽ đây không phải là sự tùy tiện sáng tạo của nghệ nhân đúc trống mà là sự thể hiện phong cách trang trí đa dạng của các loại nhà trong đời sống thực tế cư dân Đông Sơn. Có ý kiến cho rằng nhà sàn thể hiện trên trống đồng phải mang ý nghĩa đặc biệt chứ không ohair bình thường. Nó có thể mang chức năng công cộng, nơi diễn ra các cuộc hợp mặt lễ hội cộng đồng như nhà Rông tây Nguyên hay cái Đình của người Việt miền xuôi.

Kiểu nhà sản mái cong, 2 mái buông gần sát đất để phần này thay chức năng của vách nhà biểu hiện trình độ kỹ thuật xây dựng nhà sàn chưa cao. Tuy nhiên đây chỉ là suy đoán. Có thể đó là sự tiếp nối truyền thống kiểu nhà cổ xưa không thể thay đổi, mang ý nghĩa tôn giáo tín ngưỡng. 

Nhà loại thứ hai có mái tròn, sàn thấp từ 2-6 cột. Mái phủ bốn phía thấp xuống tận sàn nhà. Rìa mái có tua biểu hiện nguyên liệu lợp mái như trên là rơm hoặc tranh hoặc có thể đây là một hình thức trang trí nhà đã được cách điệu hóa và ngày nay không còn nên không thể nhận ra. hai đầu mái bao giờ cũng nhô cao, có khi chỉ nhô một đoạn ngắn, có khi phần nhô lên được thể hiện bằng 2 quả cầu, vòng tròn đồng tâm tương tự như hai đầu đao nhà mái cong. Có 2 chi tiết khác nhà mái cong ở nhà mái tròn

-Nhà mái cong có 1-2 con vật trên nóc thì nhà mái tròn không thấy con vật (trừ 1 nhà trên trống Hoàng Hạ)

-Những chân cột nhà mái tròn luôn được đặt trên những kè đá vuông vắn. Hòn kê này không thấy ở nhà mái cong. Chi tiết này ủng hộ cho ý kiến nhà mái tròn có công dụng là nhà kho chứa lương thực
ở Thạch Trại Sơn (Trung Quốc) tìm thấy cảnh người mang lương thực đến nhà sàn mái tròn tương tự như hình khắc trên trồng đồng tìm thấy ở đó. Đây là nhà kho chứa lương thực của cộng đồng. Nhà kho được trang trí đẹp lại nằm cạnh “nhà rông” của cộng đồng và cạnh đó thường có cảnh người giã gạo. 

có thể 2 loại nhà trên đều là nhà công cộng nhưng chắc chắn nhà ở bình thường cũng không khác xa thế: vẫn phải là nhà sàn, cạnh nhà ở là nhà kho chứa lương thực. 

Đối với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều của vùng nhiệt đới gió mùa và địa hình cư trú lúc đồng bằng vùng trũng hay ngập lũ, lúc vùng trung du đồi núi… thì cấu trúc nhà sàn là hợp lý nhất. Việc lựa chọn nhà sàn của người Việt cổ thể hiện lối ứng xử thông minh của họ với môi trường tự nhiên. Người Mường hiện nay là hậu duệ của những người Việt cổ ở vùng rừng núi vẫn giữa truyền thống ở nhà sàn. Còn người Việt Đông Sơn ở đồng bằng chịu ảnh hưởng của người Hán phương Bắc xứ lạnh dựng nhà kiên cố trên đất, tuy nhiên vẫn chưa xác định được thời gian chính xác của sự chuyển đổi này như phải là từ khi sự đô hộ của phương Bắc vững mạnh và văn hóa Đông Sơn đi vào suy thoái hoàn toàn. Nhà sàn của người Việt ở đồng bằng còn lưu dấu trong những ngôi đình làng với cấu trúc sàn lửng. 
4.5 Đi lại

Sự xuất hiện của những hình ảnh như voi, trâu, bò cho thấy có thể cư dân Đông Sơn đã sử dụng chúng như một loại phương tiện đi lại cưỡi trực tiếp vì hiện nay chưa có tài liệu cho thấy người Đông Sơn đã sử dụng một loại xe hay bánh xe nào. Nhìn chung phương tiện đi lại chủ yếu của một cư dân chuyên sống ở vùng sông nước vẫn là thuyền. Những loại thuyền ở Đông Sơn chắc chắn vô cùng phong phú vì những hình ảnh trên trống đồng có rất nhiều loại thuyền được trang trí rất đẹp. Thuyền' đã là dấu ấn in đậm trên họa tiết trang trí trống đồng. Nhìn về góc độ nghệ thuật thì họa tiết hình thuyền hầu như chiếm vị trí duy nhất trên bộ phận tang trống: Những chiếc thuyền to đẹp đường nét mềm mại hình cánh cung 2 đầu cong vút được cắm lông chim. Giữa thuyền có lầu với những hàng mái chèo, hình dáng người được sắp xếp đứng ngồi tạo sự thay đổi về nhịp điệu phóng khoáng về đường nét. Loại thuyền dùng trong đua chải các dịp lễ hội phong phú như vậy thì thuyền của người dân sử dụng hàng ngày để đi lại không thể xấu xí hay kém chất lượng. Với đặc điểm là cư trú ở hạ lưu các con sông lớn, người xưa coi thuyền là nhà của mình, đi lại bằng thuyền, ở bằng thuyền... như Hoài Nam Tử đã viết ''Người Hồ thạo đi ngựa, người Việt thạo đi thuyền''. 

3.1 Tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội

Trong thời đại Đông Sơn, tư duy giải thích thế giới của họ cũng chính là tư duy tôn giáo. Đó là những hình thái nhận thức xã hội, một hình thái của hệ tư tưởng. Bất cứ hệ tư tưởng nào, xét đến cùng, cũng là sự phản ánh của tồn tại vật chất, của cơ cấu kinh tế xã hội. Nhưng tôn giáo có một dạng biểu hiện độc đáo trong các hình thái của hệ tư tưởng. Nguồn gốc và cơ sở ra đời của tôn giáo là do trình độ thấp kém của sản xuất, đó là sự bất lực của con người trước một thế giới bi ẩn mà họ không giải thích nổi. Đồng thời tôn giáo cũng phản ánh ước mơ và nguyện vọng của con người đối với những vấn đề thiết thân trong cuộc sống.

• Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu thì trống đồng thể hiện mô hình vũ trụ theo quan niệm của người Việt cổ. Có thể hình dung mô hình vũ trụ đó gồm "ba tầng, bốn thế giới" dựa theo nghiên của giáo sư Từ Chi về vũ trụ luận của người Mường 

-"Tầng trên", tương ứng với phần mặt trống, gồm hai thế giới: Trời ("Mường blời") tượng trưng bằng hình ảnh mặt trời tỏa các tia sáng và Ðất ("Mường tất") tượng trưng bằng các cảnh nhà cửa, người, chim, thú... 

-"Tầng giữa" tương ứng với phần tang trống là "thế giới nước" ("Mường nác"), tượng trưng bằng các hình thuyền, người chèo thuyền, cá, giao long, chim nước…

-"Tầng dưới", tương ứng với phần thân trống, là "Cõi âm" ("Mường âm phủ", ở đó, có hình tượng tổ tiên, với bộ trang phục hình chim - vật tổ.

Như vậy, trống đồng là sản phẩm của việc cụ thể hóa (hình tượng hóa) quan niệm về vũ trụ của người Việt cổ nên ngay khi mới được tạo tác - cùng lúc với việc xuất hiện các Vua Hùng đầu tiên - thì đã vừa có tính linh thiêng của việc thu cả đất trời vào một vật thể, vừa mang cả giá trị của sức lực và quyền uy trần thế, thu vào cho ai làm ra trống không chỉ diệu kỳ các giá trị trừu tượng, mà còn chính là nơi hội tụ của khả năng và kỹ thuật - công nghệ: khai thác quặng mỏ, luyện kim đúc đồng, sáng tạo nghệ thuật (tạo dáng, trang trí)... Vì thế, cái mô hình vũ trụ bằng đồng này có thể là cây quyền trượng, biểu tượng cho vị thế và quyền lực của người tạo tác hoặc sở hữu được nó. 

Từ mô hình vũ trụ có thể nghĩ rằng trong thời Đông Sơn không những có những huyền thoại phong phú mà đã bắt đầu hình thành một hệ thống thần thoại khá ổn định với các vị thần được sắp xếp có trật tự. Đáng tiếc là hệ thống thần thoại này đã bị vỡ ra từng mảnh qua thời Bắc thuộc trước sự tiếp biến văn hóa với văn hóa Hán cũng như với các tôn giáo lớn từ bên ngoài đưa vào. Những mảnh vỡ đó còn lại ít nhiều qua ghi chép thời trung địa và phần nào nguyên vẹn hơn dưới dạng sử thi thần thoại ở các bài mơ như Đẻ Đất Đẻ Nước của người Mường một dân tộc cũng là con cháu của người Việt cổ thời dựng nước. Suy nghĩ đó là hoàn toàn hợp lý vì sự hình thành sử thi, thần thoại có tính suy luật khi xã hội bước vào thời kỳ phân chia giai cấp và hình thành nhà nước. Nhưng thời Đông Sơn chỉ là sạng sơ khai khi sự phân tâng xã hội cũng như các mâu thuần nội tại chưa thật sự sâu sắc, tính cộng đồng vẫn còn rất đậm trong toàn thể dân cư. Vì vậy nếu có một hệ thống thần thoại thì tính đa thần giáo phải còn rất rõ nét và nổi bật. 

• Bên cạnh mô hình vũ trụ là tư duy lưỡng phân lưỡng hợp của người xưa

Người xưa hình dung thế giới được chia đôi. Nếu là người thì có nam có nữ, tức có yếu tố đực và cái, có âm và dương. Điều này thể hiện trên mặt trống đồng mà các nhà nghiên cứu cho rằng các cánh sao biểu hiện yếu tố dương còn hoa văn lông công xen giữa biểu hiện yếu tố âm. Thế giới tự nhiên xưng quanh người Việt cổ cũng vậy thể hiện ở việc hình khắc hươu đực xen giữa hươu cái trên mặt trống đồng. 

Theo P. Maspero thì tư duy này đã có từ thời đại đồ đá và đến thời đại kim khí thì nó được thể hiện rõ hơn rất nhiều. Nhìn những hoa văn trên trống đồng ta thấy tư duy lưỡng phân lưỡng hợp thể hiện ở cả những cặp hoa văn chim-hươu thể hiện yếu tố núi hay đất, còn cặp hoa văn cá-cá sấu-thuyền thể hiện yếu tố nước, biển.

Từ tư duy lưỡng phân lưỡng hợp người xưa giải thích thế giới bằng nhiều câu chuyện thần thoại, truyền thuyết dân gian khác nhau

Các câu chuyện thần thoại suy nguyên có thể xuất phát từ thời đó đã gán công khai phá đất trời, lập nên thế giới, dời non lấp biển, tạo ra núi non sông ngòi cho một nhân vật hình tượng “người khổng lồ” – một dạng anh hùng văn hóa nửa người, nửa thần cho thấy trong những câu chuyện Ông Đùng Bà Đà, Ông Cồ Bà Cộc. 

Tư duy lưỡng phân lưỡng hợp là loại tư duy phân loại chia đôi đã tồn tại từ thời đồ đá và có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng tư duy lưỡng phân lưỡng hợp tồn tại lâu dài có cội nguồn từ lớp văn hóa bản địa tạo nên một đặc điểm nổi bật. Tư duy này được biểu hiện ở nhiều đối tượng:

Kho và ướt

Lửa và nước

Sáng và tối

Mặt trời và mặt trăng

Chim và rắn

Theo P. Maspero các phong tục như hội mùa, hát đối đáp, đưa thuyền, thả diều… cũng như hệ thống thần thoại của của khu vực đều biểu hiện lưỡng phân lưỡng hợp giao tranh và giao hòa giữa các yếu tố đối lập nối trên. Những hình tượng hoa văn họa tiết trên trống đồng cũng biểu hiện những tư duy này. Huyền thoại phản ánh như câu chuyện Con Rồng Cháu Tiên với Âu Cơ (biểu tượng âm) lấy Lạc Long Quân (biểu tượng dương) đẻ ra bọc 100 trứng sự thống nhất âm-dương có tính lưỡng hợp, rồi 50 con lại theo mẹ lên non, 50 con theo cha xuống biển (sự lưỡng phân)

Tư duy này chi phối đời sống của người Đông Sơn về nhiều mặt nó trở thành logic của cả những cái phi logic. Ví dụ như những phát minh kỹ thuật cũng được thần bí hóa. Câu hát “ông Đổng mà đúc trống đồng: hay chuyện Chặt Cây Chu Đồng bài mo “Đẻ Đất Đẻ Nước”của người Mường đều là thần hóa việc chế tác đồng hay chuyện Thánh Gióng cũng là một ví dụ về thần hóa nghề luyện sắt và công dụng của sắt. Việc sử sách cũ ghi lại việc Hùng vương dùng ảo thuật áp phục Hùng vương áp phục được các bộ lạc và xưng vương có thể là do người xưa thần bí hóa những tri thức kinh nghiệm luyện kim.

Quá trình chinh phục thiên nhiên của người Việt lưu dấu trong một loạt câu chuyện thần thoại về thời Hùng Vương: Lang Liêu, An Tiêm… nhưng nổi bật nhát là câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh phản ánh quá trình chinh phục tự nhiên, chống lại lũ lụt hay hình tượng Thánh Gióng phản ánh quá trình luyện sắt khai khoáng và áp dụng đặc tính của sắt và đời sống. 

Con người sáng tạo ra thần thoại và thần thoại lại ăn sâu vào tâm thức, cuộc sống của con người. Biểu tượng rắn nuốt voi quen thuộc của cư dân Đông Nam Á được thể hiện hóa trên cán dao găm có rắn ngậm châm voi ở làng Vạc. Trên mặt trống đồng, qua đồng có nhiều con vật hình thú kỳ dị, đây có thể là những con vật thần thoại được hình thành bằng tư duy trừu tượng của người xưa. 

• Bên cạnh có còn có những lý giải về hoa văn trên trống đồng liên quan đến những quan niệm tôn giáo tín ngưỡng của người Đông Sơn gắn với các lễ hội.
-Thứ nhất: Thờ mặt trời 

M. Colani nhà khoa học Pháp gắn hình ngôi sao ở trung tâm mặt trống với tục thờ mặt trời. Đó vốn là một phong tục phổ biến ở Đông Dương và khắp thế giới. Bà nói rằng những hình chim và hình thuyền trên trống đồng cũng có những ý nghĩa tôn giáo tương tự. Ý kiến của bà được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận. Trời ở đây được hiểu như một vị thần tối cao ngự trị trên chốn thiên cung. Điều này nói lên rằng trong quan niệm tôn giáo của người Việt cổ, mặt trời được xem như một đấng thần linh được tôn thờ kính trọng. Thờ mặt trời là một hình thức của “sùng bái tự nhiên” thấy được phản ánh rộng rãi trong phong tục tập quán của người Việt. Ví dụ việc thờ tứ pháp Vân- Vũ-Lôi-Điện ở chùa Dâu, những lúc hạn hán người dân thường đến đây cầu đảo, rõ ràng đây là dấu vết của sùng bái tự nhiên có nguồn gốc từ thời nguyên thủy. 
Lăng Thuần Thanh nhà dân tộc học Đài Loan dựa vào bài thơ Đông Quân trong tập Cửu Ca của Khuất Nguyên (thế kỷ III trước công nguyên và các tư liệu dân tộc học hiện địa của người Ami – Đài Loan, ngườ Naga – Assam - Ấn Độ… để giải thích cảnh trên trống đồng là lễ thần Mặt Trời. Ông cho rằng hình tượng mặt trời với cảnh người múa với các nhạc cụ như khèn, chuông khánh, cối giã gạo… là cảnh đón vị thần mặt trời đến. Cảnh người cầm cung bắn và con chó trên thuyền là cảnh bắn con chó sói (tượng trưng mặt trời) trong lễ tiễn thần Mặt Trời. 

Tục thờ mặt trời không chỉ riêng người Hoa Nam hay Đông Nam Á mà là khắp thế giới như Ai Cập, Lưỡng Hà, Maya... Đây là một tín ngưỡng tương đối phổ biến của nhân loại. Vấn đề là những biểu hiện của tục thờ thần Mặt Trời khác biệt như thế nào mới mang tính đặc trưng tộc người. 

-Thứ hai: Tín ngưỡng Saman 

Dựa vào việc so sánh những hình khắc trên trống đồng với những phong tục, nghi lễ của cư dân trên các đảo Indonesien, một số tác giả cho rằng: cư dân Đông Sơn theo tín ngưỡng saman (phù thủy) và thờ thần chết. Giải thuyết về tín ngưỡng saman và thờ thần chết do nhà nghiên cứu người Anh H.G. Quaritch Wales đưa ra: vào thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên ở Vân Nam và Bắc Đông Dương đã từng xảy ra quá trình hỗn cư giữa dân bản địa nói tiếng Malayo Polinesien đang sống vào thời kỳ dồ đá với nhóm người từ vùng Trung Á di cư đến, họ mang đến đây văn hóa đồ đồng cùng với tín ngưỡng saman (phù thủy) và tục thờ thần chết. Thế giới quan tôn giáo này theo tác giả có nguồn gốc từ vùng Lưỡng Hà. Ông coi hình sao nhiều cánh trên mặt trống đồng không phải là mặt trời mà là sao Bắc Cực ở chính giữa bầu trời, trục vũ trụ đi qua sao này và trong tín ngưỡng Saman người phù thủy Saman theo trục này lên trời. 


-Thứ ba: Thuyết vật tổ

Người đầu tiên chủ trương thuyết vật tổ là học giả người Pháp L. Fino. Trong một bài diễn văn ông đã viết: “đó là những chiếc trống lớn người ta dùng trong các cuộc lễ nghi tôn giáo hay ảo thuật. Những trống cổ nhất này có khắc hình người kỳ quái, ngồi trên thuyền cầm cung, mặc áo lông chim khiến người ta nghĩ tới một tập đoàn thủy thủ táo bạo, lúc sắp vượt biển, muốn cầu xin tính thiêng liêng của bộ quần áo vật tổ, để vượt biển được khỏe mạnh như những con chim hậu điểu lớn”

Những nhà nghiên cứu sau cũng nhấn mạnh vào trang phục của những người trên thuyền và cách trang trí của thuyền, cho rằng những hình này có ý nghĩa vật tổ mà vật tổ là một loài chim. Ông Đào Duy Anh phát triển ý tưởng trên, xem tư tưởng chủ đạo chi phối cách trang sức trên trống đồng là tư tưởng vật tổ là giống chim hậu điểu, chim lạc.

Dấu vết tín ngưỡng vật tổ không chỉ để lại trên trống đồng mà còn trong các truyền thuyết, phong tục và trò chơi dân gian. Ví dụ truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên về Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra trăm trứng, nở trăm con là tổ tiên của Bách Việt. Trò chơi dân gian có múa rồng, trẻ con chơi rồng rắn lên mây. Thú vị hơn là truyền thuyết Đẻ Đất Đẻ Nước của người Mường, một dân tộc chung gốc khác ngành với người Việt. Chuyện kể rằng ngày xưa có đôi vợ chồng chim thần làm tổ ở hang Hào, đẻ ra trăm trứng, nở ra trăm người. Vợ chồng chim cũng biến thành người, đó là tổ tiên của người Mương. Hay truyền thuyết này rõ ràng mang ý nghĩa vật tổ. Những chi tiết cơ bản cấu tạo nên truyền thuyết của hai dân tộc rất giống nhau, có thể nói hai truyền thuyết này có một nội dung và hai cách biểu hiện. Ở đây, có thể nhận thấy: Âu Cơ đồng nhất với chim thần và đoán rằng cuộc hôn nhân Lạc Long Quân – Âu Cơ là sự phản ánh liên kết của hai bộ tộc Rồng và Chim. Theo dõi những hình người khắc trên trống đồng chúng ta thấy ngay là những nhân vật chiếm vị trí trung tâm trong cuộc hành lễ thường được hóa trang thanh hình chim, họ tự trang sức mình bằng những chiếc mũ hình chim hoặc bộ quần áo lông chim, thậm chí những hình vũ khí, công cụ sản xuất, bộ phận của nóc nhà, mũi thuyền cũng làm theo hình chim hoặc được trang sức bằng lông chim. Hình ảnh người chim không những được thể hiện một cách có hệ thông trên các trống đồng, mà còn thấy có mặt trên nhiều thạp đồng và rìu đồng. Cần nhấn mạnh thêm, trong số những hình chim khắc trên trống đồng, chỉ có loại chim bay, có mào, cổ và chân dài, có mặt trên hầu khắp các trống Đông Sơn từ cái sớm nhất đến cái mượn nhất. Đấy là giống chim nước gần với loài cò, sếu, hạc mới là loài chim vật tổ của người Việt cổ. Ngoài ra còn một số giống vật khác có thể liên hệ với tín ngưỡng vật tổ hoặc tín ngưỡng nông nghiệp.

a. Rồng – tổ tiên huyền thoại của người Việt cổ, là giống vật thần thoại kết hợp trong mình nó những nét của nhiều con vật khác, chủ yếu là rắn và cá sấu. Hình cặp cá sấu (giao long) thấy được khức trên thập đồng Đào Thịnh, trên rìu đồng Đông Sơn và mảnh áo giúp tìm thấy ở Ninh Bình

b. Hình hươu thấy khắc trên mặt trống Ngọc Lũ, Miếu Môn, trên thạp Việt Khê và một số rìu Đông Sơn. Theo Trần Từ và Bạch Đình, nghiêm cứu về quan niệm tôn giáo của người Mường, thì hươu là một thành phần trong tổ lưỡng hợp “hươu-cá” Hình ảnh này được thể hiện rên đạo cụ hành lễ của thầy mo Mường. Người Mương thường gọi hươu là mẹ, cá là cha. Trên cặp váy của phụ nữ Mường có thêu rồng, chim, hươu, cá…

c. Hình bò và trâu có thể liên quan đến tục đâm trầu, phổ biến ở các dân tộc Đông Nam Á. 

d. Hình cóc có thể là tín ngường thờ thần mưa, theo sự suy tôn dân gian “con có là cậu ông trời” 

Ngoài ra còn một số hình các con vật khác như trên trống Miếu Môn có hình con vật 4 chân, đầu chim, mình thú hoặc tượng hổ trên thạp Vạn Thắng

-Thứ tư: Thuyền đưa linh và thờ thần chết 

Quan niệm hình thuyền trên trống đồng là những con thuyền đưa linh hồn người chết về thế giới bên kia theo chủ kiến của V. Goloubev. Ông đã nghiên cứu điều này dựa trên tài liệu dân tộc học về thuyền đưa linh trong lễ Tiwak của người Dayak trên đảo Borneo. Lễ tiwah của hành trong 7 ngày mục đích nhằm giải thoát cho linh hồn người chết về thế giới bên kia. Ngôi nhà sàn mái cong được xem là nhà chứa linh hồn, còn hình thuyền là thuyền vàng dùng để chở linh hồn ngươi chết về thế giới của họ. 


Một nhóm khoa học Nhật Bản do Matsumoto Nobuliro đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu trống đồng và giải mã các cảnh trang trí. Họ đã đưa ra các tư liệu dân tộc học và người Miêu, người Dao ở Trung Quốc, tư liệu Nhật… Cuối cùng đi đến kết luận đồng ý về quan niệm con thuyền đưa linh của V. Goloubev. Đáng lưu ý là tư liệu Thiên Điểu Thuyền Khảo của Koma Da Sho Taro chứng minh chim biến thành thuyền có dẫn chứng thư tịch, phong tục có giải thích hình thuyền đầu chim cùng với tục quan tài hình thuyền. 

-Lăng Thuần Thanh: Những nhận định mới về các hoa văn trang trí trên trống đồng ở Đông Nam Á (tiếng Anh)

-Matsumoto Nobuliro 1965: Nghiên cứu tư tưởng tôn giáo các sắc dân chuyên về nông nghiệp thời cổ đại trên bán đảo Đông Dương qua hoa văn trang trí trên trống đồng (tiếng Nhật) được Châm Vũ dịch

Ông Văn Hựu, viện sách Địa lý chí chép về Kinh châu đời Tùy, Đường, mà xem cảnh này là một ngh thức của lễ mai táng. Sách viết: “khi có người chết, đtặ tử thi ở nhà, bọn thiếu niên đến, mỗi người đều cầm cung tên đến vay quanh tử thi mà ca hát, dùng tên bật dây cung làm nhịp” Ông cho rằng hình nhà trên trống đồng là tượng trưng cho nàh đặt tử thi, còn những người hóa trang hình chim là những thiếu niên cầm cung tên vây quanh tử thi ca hát. 

Ngày hội mùa

Dịp thu hoạch mùa màng nói đúng hơn là dịp gặt lúa có lẽ là ngày hội lớn nhất. Sau khi thu hoạch mùa là dịp nông nhàn, người xưa có thời gian và điều kiện vật chất để tổ chức lễ hội và lễ hội này thường kéo dài nhiều ngày, ăn uống và cả vui chơi nhảy múa. Hạt gạo được chế biến thành nhiều sản phẩm xôi bánh. Sự tích “bánh chưng bánh dầy” thời Hùng Vương phản ánh đây là một sản phẩm mang tính độc đáo và lâu đời của dân tộc, thể hiện tư duy trọng thành quả lao động của con người là hạt lúa, hạt gạo. 


Nững biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực thể hiện ở đôi trai gái cầm chày giã gạo để cầu mong một mùa màng tươi tốt. Những tốp người múa mặc trang phục lỗng lẫy, tay cầm vũ khí hay nhạc cụ trên mặt trống đồng có số lượng khác nhau, có thổi kèn và nhiều vũ điệu, nghi thức khác nhau.

Ngôi nhà mái tròn là kho chứa lương thực. Ở Thạch Trại Sơn (Trung Quốc) tìm thấy cảnh người mang lương thực đến nhà sàn mái tròn tương tự như hình khắc trên trồng đồng tìm thấy ở đó. Đây là nhà kho chứa lương thực của cộng đồng. Nhà kho được trang trí đẹp lại nằm cạnh “nhà rông” của cộng đồng và cạnh đó thường có cảnh người giã gạo.

Nghi lễ đâm trâu ngoài những hình trâu bò trên trống còn có những hình khắc vũ sĩ cầm vĩ khí múa hát xung quanh , điều này được ghi rõ nét hợn trên trống đồng tìm thấy ở Vân Nam - Trung Quốc: trống khai quật ở Lý Gia Sơn thân có 8 ô trang trí thì 6 ô hình trâu đứng và 1 ô có 4 người nhảy múa quanh cột

Có thể nói tục đâm trâu đâm bò có từ lâu, ít nhất là từ thời Đông Sơn và gắn chặt với lễ hội mùa của cư dân nông nghiệp.

Ý kiến của Nguyễn Ngọc Chương cho rằng hình ảnh người múa đi từng hàng trên mặt trống Đông Sơn là đoàn người đi gieo mạ tưới nước như tài liệu dân tộc học cho thấy ở Tây Nguyên thường có những lễ hội cầu mưa, gieo hạt, cũng có từng đoàn người đi từng hàng mặc quần áo ngày hội.
Ngày hội nước 

Có thể là cầu được nước (cầu mưa, cầu nước lên) hoặc cầu nước rút (cầu nước xuống, cầu mưa tạnh, cầu khỏi bão tố lụt lôi…) 

Cư dân liên quan đế nông nghiệp đều xem trọng yếu tố thời tiết (mưa thuận gió hòa) và thủy lợi (nước tưới tiêu ruộng đồng). Thời tiết ảnh hưởng rất nhiều đến mùa màng khi mà người xưa chưa biết cách chế ngự thiên nhiên như ngày nay. 

Văn học dân gian “lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày” hay “trong trời trong đất, trong mây” và truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh như một sự thi vị hóa sự đấu tranh của con người với thiên nhiên, quy luật thiên nhiên bằng một câu chuyện tình yêu.
Trống được đồng nhất với sấm, người đánh trống biểu trưng cho thần sấm.Điều này rất quan trọng, đồng nhất trống với sấm người xưa đã hữu thể hóa một vật thể vô hình (tiếng sấm) và cho rằng giữa chúng cóm ột sự cảm ứng qua lại. Cho nên mỗi khi trống đánh lên thì sấm sẽ động lòng mà lên tiếng, và sấm lên tiếng thì mưa sẽ đến với người. Đánh trống cầu đảo trong việc tế thần sấm được hiểu theo quan niệm như thế. Quan niệm này dẫn đến việc xem con cóc thần thoại là tín sứ của thần mưa, vì rằng mỗi khi cóc nghiến răng sau đó trời đổ mưa. Tượng cóc trên mặt trống loại II một lần nữa xác định về công dụng của trống trong lễ cầu đảo.
Hội đua thuyền

Cảnh đua thuyền trên tang trống có hai loại thuyền: thuyền chiến và trải. Trên thuyền chiến khắc hình những thủy thủ cầm vũ khí trong tay, đặc biệt trên trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ có cảnh giết người. Trên các thuyền trải có cảnh cầm dằm, được thể hiện theo cảnh đua trải ngày hội. tục đưa trải rất phổ biến ở VIệt Nam cũng như vùng Đông Nam Á. Ở Lào và Campuchia đưa trải gắn liền với lễ hội nước, ngày hội dân tộc có liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp. . Điều này cho phép xác định rằng vành thuyền trên tang trống có liên quan đến lễ hội nông nghiệp. Một vấn đề đặt ra là “cảnh giết người” trên thuyền chiến cùng một ý nghĩa như trên. Dân tộc học sẽ giúp ta giải thích vấn đề này. Tài liệu dân tộc học trên thế giới cho thấytính phổ biến rộng rãi của các lễ hiến tế vì mục đích mùa màng. Xin nêu một vài ví dụ: nửa đầu thế kỳ XIX, người da đỏ trong một số bộ lạc ở Bắc Mỹ còn lưu hành tục giết người (đàn ông và đàn bà) lây thịt người hy sinh xát lên công cụ sản xuất. Họ tin rằng óc làm như vậy thì giéo trồng mới có kết quả tốt, mùa màng bội thu. Một số bộ lạc miền Đông Phi, cứ hàng năm sau khi thu hoạch mùa màng vào lúc gieo trồng họ lại giết một cô gái trẻ, lấy máu tưới lên đồng ruộng. Bộ lạc Naga ở Assam – Đông Bắc Ấn có tục săn đầu người. Tất cả những tập tục này đều có liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp, một hình thức tín ngưỡng xuất hiện từ thời kỳ tan rã của chế độ công xã thị tộc và quá độ chuyển sang xã hội có giai cấp. Dựa vào những cứ liệu trên chúng tôi cho rằng cảnh giết người trên hai trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ cũng có ý nghĩa tương tự. Như vậy là hai loại thuyền khắc trên tang các trống đồng đều liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp. Điều này có hạt nhân hợp lý của nó vì rằng trong một nền văn hóa thống nhất thì hai loại thuyền trên chỉ là sự biểu hiện khác nhau của những hình thể cùng mang một nội dung ý nghĩa như nhau.

Dường như ngày hội mùa gắn liền với tục đâm trâu bò (cũng là một hình thức hiến tế lễ vật cho thần linh để tạ ơn vì một mùa vụ bội thu hay cầu mong cho những vụ mùa sau đều đạt năng suất cao, cuộc sống ấm no an lành) thì trong ngày hội nước vì cấp thiết hơn quan hệ không những đến sự đói no mà cả sống còn của cộng đồng trước thiên tai nên buộc phải hiến tế người. 
Ngày hội khánh thành trống đồng

Một loạt tài liệu dân tộc học cho thấy việc đúct hành công trống đồng là ngày hội lớn của cả cộng đồng vì việc đúc trống cần phải có nhiều người thợ hợp sức lại, cần nhiều thời gian và những khâu kỹ thuật vô cùng chặt chẽ, tinh vi và nhiều sức lực. Hơn nữa việc ra đời của trống đồng mang ý nghĩa linh thiêng. 

Trống đồng được thờ ở vị trí trang trọng bằng chứng là một loạt những đền thờ trống đồng đã ra đời và đền Đồng Cổ… Việc đúc thành công trống là hiếm có và không phải lúc nào cũng đúc thành công (việc đúc thử nghiệm mô phỏng trống đồng của viện… vẫn chưa thành công như ngày xưa) Vì vậy có lẽ ngày hội đúc thành công trống đồng có ý nghĩa lớn, diễn ra nhiều nghi lễ mang tính ma thuật bí hiểm nhất của nghề luyện kim.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét