Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

NHỮNG CHỨNG CỨ XÁC ĐỊNH TRIỀU ĐẠI HÙNG VƯƠNG TỒN TẠI ĐẾN THỜI HAI BÀ TRƯNG

NHỮNG CHỨNG CỚ XÁC ĐỊNH TRIỀU ĐẠI HÙNG VƯƠNG TỒN TẠI ĐẾN THỜI HAI BÀ TRƯNG


I. DẪN NHẬP
Lịch sử nước ta, nhất là cổ sử, đang tồn tại những sai lầm nghiêm trọng. Một trong những sai lầm đó là việc Ngô Sỹ Liên dựa vào Lĩnh Nam Trích Quái và Việt Điện U Linh Tập dựng nên kỷ nhà Thục, kỷ nhà Triệu và kỷ thuộc Tây Hán. Sai lầm này không phải bắt đầu từ Ngô Sỹ Liên và hai tác phẩm mà ông dựa vào mà đã có từ trước đó trong cổ sử Trung Quốc như: Giao Châu Ngoại Vức Ký, Quảng Châu Ký, Nam Việt Chí, Nhật Nam Truyện. Những sai lầm này cho đến nay vẫn tiếp tục tồn tại.
Điều lạ là, tại sao những nhà viết sử nước ta không chú tâm nghiên cứu chi tiết của hai bộ sử giá trị của Trung Quốc là Sử Ký và Tiền Hán Thơ, trong đó có lá thư của Triệu Đà gời cho Hán Văn đế vào năm 179 trước Dương lịch (tdl) xác định nước ta lúc đó đang có vua. Từ đó, theo giáo sư Lê Mạnh Thát, không có việc Triệu Đà đánh An Dương Vương. An Dương Vưong chỉ là một phiên bản của anh ca Mahabharata. Nam Việt của Triệu Đà không phải là nước ta lúc đó mà thuộc địa phận tỉnh Quảng Đông, một phần tỉnh Hồ Nam, Qúy Châu và Quảng Tây ngày nay. Một khi không có nhân vật lịch sử An Dưong Vương đánh bại vua Hùng thì triều đại Hùng Vương vẫn tồn tại đến thời Hai Bà Trưng.[1]
Vấn đề này đã được giáo sư Lê Mạnh Thát nghiên cứu một cách chuyên sâu trong tác phẩm Lục Độ tập kinh và Lịch Sử Khởi Nguyên Dân Tộc Ta, công bố năm 1972, với những sử liệu vô cùng phong phú và chính xác. Nhưng không hiểu vì sao cho đến nay, các nhà viết sử Việt Nam vẫn tiếp tục đi theo những sai lầm mà cách đây sáu thế kỷ Ngô Sỹ Liên đã mắc phải.
Bài nghiên cứu ngắn này, do thế, xin đưa ra những chứng cớ lịch sử dựa trên tác phẩm nêu trên và những tư liệu cổ sử Việt Nam và Trung Quốc trong phần phụ lục cùng tác phẩm có liên quan đến đề tài của giáo sư Lê Mạnh Thát, góp phần vào việc loại An Dương Vương ra khỏi lịch sử dân tộc ta, và khẳng định Hai Bà Trưng là hậu duệ cuối cùng của triều đại Hùng Vương.
I. VẤN ĐỀ SỬ LIỆU
1. Các Sử Liệu Không Đáng Tin Cậy
Như đã nói trên, đa số các sử liệu Trung Quốc như Giao Châu Ngoại Vức Ký, Quảng Châu Ký, Nam Việt Chí, Nhật Nam Truyện và các tác phẩm cùng loại đều nói về triều đại Hùng Vương tồn tại đến đời vua Hùng thứ mười tám thì bị An Dương Vương đánh bại. Sau đó Triệu Đà đánh An Dương và lập nên nhà Triệu. Chẳng hạn Giao Châu Ngoại Vức Ký mà Lệ Đạo Nguyên đã cho dẫn trong Thủy Kinh Chú quyển 37 về triều đại Hùng Vương như sau:
Giao Chỉ xưa khi chưa có quận huyện, có ruộng lạc. Ruộng ấy tùy nước triều mà lên xuống. Dân khẩn ăn ruộng ấy, nhân vậy mà gọi là Lạc dân, đặt ra Lạc vương, Lạc hầu làm chủ các quận huyện. Huyện phần nhiều do lạc tướng làm. Lạc tướng có ấn đồng giải xanh. Sau đấy con vua Thục đem quân ba vạn đến đánh Lạc vương, Lạc hầu, làm phục các Lạc tướng. Con vua Thục đó nhân đó gọi là An Dưong Vương. An Dưong Vương có thần nhân tên Cao Thông giáng xuống phụ tá, làm cho An Dương Vưong một cá nỏ thần, mổi một bắn ra giết ba trăm người. Nam Việt vương biết không thể đánh, rút quân về đóng ở huyện Vũ Ninh (…) Việt vương sai thái tử tên Thỉ tới hàng với An DươngVương, gọi là để thần sự. An Dương Vương không biết thần nhân Thông bị đối xử một cách vô đạo, nên bỏ đi, nói với vua rằng: “năng giữ được ở ấy thì làm vua thiên hạ. Không hay giữ được nỏ đó thì mất thiên hạ.” Thông bỏ đi. An Dương Vương có một người con gái tên Mỵ Châu. Thấy Thỉ đoan chính, Châu cùng với Thỉ giao tình. Thỉ hỏi Châu khiến lấy cái nỏ của cha cho mình xem. Thỉ lấy nỏ, bèn trộm lấy cưa cắt nỏ. Xong rồi, bèn trốn về báo cho Nam Việt vương. Nam Việt vưong bèn tiến quân đánh. An Dương bắn nỏ thì nỏ gãy, nên bị bại. An Dương xuống thuyền đi tắt ra biển, nay là huyện Bình Đạo. Sau cung thành của vua còn thấy ở chỗ cũ.[2]
Ý kiến trên cũng được Chu Mã Trinh cho dẫn trong lời chú sách dẫn ở Sử Ký quyển 113 tờ 2b3-6 qua trung gian lời án của một “họ Diêu” với những ý chính tương tự như trên với một đổi thay quan trọng là vua Lạc và ruộng Lạc thành vua Hùng và ruộng Hùng.[3] Ngoài ra, Nam Việt ChíNhật Nam Truyện và những sử liệu cùng loại cũng có những thông báo tương tự.
Các nhà viết sử Việt Nam trước đây, hầu như đều dựa vào những sai lầm của các bộ sử Trung Quốc vừa nêu trên, mà hoàn toàn không căn cứ vào Sử Ký và Tiền Hán Thơ cho nên từ bộ sử đầu tiên là Đại Việt Sử Lược cho đến Đại Việt Sử Ký Toàn ThưKhâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục vẫn cứ cho rằng Triệu Đà đánh An Dương Vương vào năm 207 tdl. Các nhà viết sử về sau dựa vào những sử liệu trên tiếp tục lập lại những sai lầm này, làm cho những sự kiện vốn đã sai lầm càng trở nên trầm trọng hơn. Những bộ sử gần đây như Lịch Sử Việt Nam (hai tập) của UBKHXHVN, và những bộ giáo trình sử học dùng cho các trường đại học như bộ Lich Sử Việt Nam của Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Tp.HCM vẫn lập lại y hệt những sai lầm trên mà hoàn toàn không truy tìm gì đến những tin tức do những bộ sử trước đó cung cấp. Riêng bộ giáo trình Lịch Sử Việt Nam của Trung Tâm Khoa Học Xà Hội và Nhân Văn Tp.HCM, chúng tôi thấy một điều rất lạ là, trong phần tài liệu tham khảo, hầu hết đều là tài liệu sử hiện đại, sử có nội dung “Tây”. Phần cổ sử, sử Trung đại và các sử liệu liên hệ đến Việt Nam như sử Thái, sử Campuchia, sử Lào, sử Chăm lại rất ít. Trong khi, lẽ ra, phần cổ sử, sử Trung đại và các sử liệu liên hệ mới đóng vai trò chính, làm nền tảng cho một bộ lịch sử Việt Nam.
2. Các Sử liệu có thẩm quyền
Để loại bỏ An Dương Vương ra khỏi lịch sử dân tộc ta, theo thiền sư Lê Mạnh Thát trong Lục Độ tập Kinh và Lịch Sử Khởi Nguyên Dân Tộc Ta, dù không phải lúc nào các sử liệu Trung Quốc cũng đúng, trong trường hợp này, chúng ta cần phải chấp nhận những tin tức do Sử Ký và Tiền Hán Thơ cung cấp.
Hai bộ sử này sẽ cung cấp cho ta những chứng cớ xác thực để chứng minh một cách dứt khoát triều đại Hùng vương tồn tại đếm thời Hai Bà Trưng.
III. NHỮNG CHỨNG CỬ XÁC ĐỊNH TRIỀU ĐẠI HÙNG VƯƠNG TỒN TẠI ĐẾN THỜI HAI BÀ TRƯNG
Căn cứ vào Sử ký và Tiền Hán Thơ, chúng ta hiện có bốn chứng cớ rất rõ ràng và đấy sức thuyết phục để khẳng định một cách dứt khoát triều đại Hùng vương tồn tại đến thời Hai Bà Trưng.
1. Chứng cứ 1: Thư Của Triệu Đà
Chứng cớ đầu tiên và quan trọng nhất, tất nhiên là bức thư của Triệu Đà gởi cho Hán Văn Đế vào năm 179 tdl. Nội dung bức thư này xác nhận Tây Âu Lạc Việt lúc đó, tức nước ta đang có vua. Sử Ký quyển 113 tờ 2b12-3a2 và Tiền Hán Thư quyển 95 tờ 8b12-9b12 cho biết:
Đà tự đổi hiệu làm hoàng đế để tự đế nước mình, ấy chẳng phài có ý muốn làm hại gì thiên hạ. Nhưng Cao hoàng hậu nghe được, đại nộ, tước bỏ sứ sổ của Nam Việt, khiến không cho thông hiếu. Lão phu nhân thế trộm nghe vua Trường Sa nói gièm thần, nên phát binh đánh biên giới nó. Hơn nữa, phương ẩm thấp, trong bọn mọi rợ phía tây thì có Tây Âu, bọn chúng số nửa yếu đuối, mà cũng nam diện xưng vương. Ở phía đông thì có Đông Việt, bọn chúng có khoảng ngàn người, cũng xưng vương. Ở phía tây bắc thì có Trường Sa, bọn chúng một nửa là mọi rợ cũng xưng vương. Cho nên lão phu dám xằng trộm đế hiệu, để mà tự đùa. Lão phu thân sống đất trăm ấp, đông tây nam bắc có khoảng ngàn muôn dặm, kẻ mang vũ khí khoảngtrăm muôn có thừa, nhưng xin bắc diện thần sự nhà Hán. Sao vậy? Ấy là vì không dám trái với tổ tiên vậy…[4]
Đoạn trích dẫn trên cho thấy vào năm 207 tdl Tây Âu Lạc Việt đang có những vị vua “ nam diện xưng vương”. Tây Âu Lạc Việt tức là nước ta thời đó. Vua đây không ai khác hơn là vua Hùng.
2. Chứng cứ 2: Vua Hùng Gởi Viện Quân Giúp các Nước Anh Em Khi Bị Nhà Hán Tấn Công Vào Năm 110 TDL
Vào năm 110 tdl, Hán Vũ Đế đưa quân sang đánh Nam Việt, Đông Việt, Mân Việt … thì vua Hùng đưa viện quân sang giúp các nước anh em này.
Tiền Hán Thơ95 tờ 15b10-11 xác nhận sau khi đánh thắng Mân Việt vào năm 110 tdl, nhà Hán đã làm lễ phong thưởng, trong đó có phong thưởng cho Tả Hoàng Đồng vì đã có công chiếm vua Tây Vu. Việc Tả Hoàng Đồng chém vua Tây Vu tức Tây Âu vào năm 110, chứng thực một cách không chối cải là, vào 110 tdl, nước Tây Âu Lạc đang có vua và đang là một nước độc lập.Và nước này sau đó vẫn tiếp tục độc lập với những vị vua “Hùng vương” hay “Lạc vương” đến năm 43 sdl.[5]
3. Chứng cứ 3: Sự Có Mặt của Quân Đội Lạc Việt ở Trúc Lô  Vào Năm 20- 25 Sau Dương Lịch
Vào năm 20-25 sau Dương lịch (sdl), Vương Mãng sai Tận Cung cầm quân sang đánh Công Tôn Thuật (do Công CôngThuật không thần phục Vương Mãng) thì thấy có mặt  quân Lạc Việt tại Trúc Lô – thành phố phía nam sông Dương Tử.
Năm 25 sdl, Lưu Tú cho Mã Viện (trước đây từng làm việc cho Công Tôn Thuật) sang đánh Hai Bà Trưng. Hai Bà Trưng đã tiến quân đánh 65 thành trì phía nam. Lý do Mã Viện tiến quân sang đánh Hai Bà Trưng, theo giáo sư Lê Mạnh Thát, có lẽ lúc này, chính quyền Hai Bà Trưng đã có những bang giao với Công Tôn Thuật. Việc Hai Bà Trưng tiến quân đánh 65 thành trì một lần nữa chứng minh vào năm 25 sdl, nước ta vẫn tiếp tục độc lập và có vua.
4. Chứng cứ 4: Thư “Điều Tấu” của Mã Viện
Sau khi Mã Viện đánh bại Hai Bà Trưng vào năm 43 sdl, Mã Viện viết thư “điều tấu” nói rằng, Việt luật khác Hán luật 10 điều. Cho nên không có chuyện nước ta bị nhà Hán thôn tính vào năm 110 tdl mà để Việt luật tồn tại. Điều này cho phép chúng ta khẳng định một cách dứt khoát là nước ta vẫn tồn tại đến năm 43 sdl, tức đến thời Hai Bà Trưng.[6]
Trên đây là bốn lý do do Sử Ký và Tiền Hán Thơ cung cấp mà giáo sư Lê Mạnh Thát đã dùng để chứng minh sự tồn tại của triều đại Hùng vương đến năm 43 sdl. Vấn đề bây giờ là khi đã khẳng định triều đại Hùng Vương tồn tại đến thời Hai Bà Trưng thì chúng ta phải giải quyết vấn đề An Dương Vương và Triệu Đà ra sao?
IV. VẤN ĐỀ AN DƯƠNG VƯƠNG VÀ TRIỆU ĐÀ
1. Về An Dương Vương
Như đã nói ở phần trên, An Dương Vương chỉ là một phiên bản của anh hùng ca Mahabharata của Ấn Độ. Vấn đề này đã được giáo sư Lê Mạnh Thát nghiên cứa một cách tường tận trong chương hai của tác phẩm đã dẫn. Ở đây chỉ đề cập một chi tiết tương đồng giữa An Dương Vương và Duryodhana trong bản anh hùng ca Mahabharata. Trong anh hùng ca này có nói đến chi tiết Duryodhana trốn chạy vào nước sau khi thua trận Yudhisthira. Truyền thuyết về An Dương Vương cũng nói tương tự là, sau khi thua trận Triệu Đà, An Dương Vương chạy vào nước, nước rẽ ra. Từ chi tiết này, giáo sư Lê Mạnh Thát đã thực hiện việc truy nguyên về truyền thuyết An Dương Vương và đi đến kết luận nó bắt nguồn từ anh hùng ca Mahabharata và đề nghị xem An Dương Vương là phiên bản của một mảng anh hùng ca Mahabharata tại Việt Nam.[7]
2. Về Triệu Đà
Một khi đã không có nhân vật lịch sử An Dương Vương thì tất nhiên không có chuyện năm 207 tdl Triệu Đà đánh bại An Dương Vương. Vậy Triệu Đà là ai? Ông xưng đế ở Nam Việt, vậy Nam Việt thuộc vùng đất nào hiện nay?
Theo sử Ký 133 tờ 1a4-7b4, về Nam Việt Úy Đà do giáo sư Lê Mạnh Thát dịch trong phần phụ lục, sách đã dẫn thì:
Nam Việt vương úy  Đà người Chân định, họ Triệu. Khi Tần đã gồm thâu thiên hạ, bình định Dương việt, đặt Quế lâm, Nam hải,Tượng quận, lấy dân bị đày cho ở xen với người Việt được 13 năm. Đà thời Tần làm lịnh Long xuyên của Nam hải. Đến thời Nhị thế, úy Nam hải Nhâm Ngao bệnh sắp chết, gọi lịnh Long xuyên Triệu Đà nói: “Tần Thắng v.v… làm loạn, Tần vô đạo, thiên hạ khốn khổ, Hạng Vũ, Lưu Qúy, Trần Thắng, Ngô Quảng v.v… châu quận mỗi cùng dấy quân tụ chúng giành giật thiên hạ. Trung quốc nhiễu loạn chưa biết lúc nào yên. Hào kiệt phản Tần, lập nhau lên. Nam hải xa xôi hẻo lánh. Tôi sợ lính trộm tới đây chiếm đất. Tôi muốn đưa quân chận đường mới tự giữ mình, đợi chư hầu biến động thì gặp lúc bệnh quá. Vả Phiên ngu dựa núi hiểm trở, Nam hải đông tây mấy ngàn dặm, lại có người Trung quốc giúp đỡ. Đó cũng là chúa một châu, có thể dựng nước. Tưởng lại trong quận không có ai đáng nói, nên gọi ông đến để bảo”.
Bèn liền trao Đà thư làm việc úy Nam hải. Ngao chết, Đà liền gởi hịch bảo Hoạnh phố, Dương sơn và Hoàng khê quan rằng: “Lính trộm sắp đến, mau chận đường, họp quân tự giữ”. Nhân mới dùng luật giết trương lại do Tần đặt và dùng đảng mình làm thú tạm. Tần phá diệt rồi. Đà liền đánh lấy Quế lâm, Tượng quận tự lập làm Vũ vương của Nam Việt.[8]
Đó là toàn bộ thông tin về Triệu Đà từ lúc làm lịnh Long xuyên đến khi làm Nam việt vương
Về câu hỏi thứ hai, Nam Việt không phải là tên nước ta như nhiều sử gia lầm tưởng mà nó thuộc về địa phận tỉnh Quảng Đông, một phần tỉnh Hồ Nam, Qúy Châu và Quảng Tây ngày nay. Vấn này giáo sư Lê Mạnh Thát và Lê Xuân Liêu cũng đã chứng minh trong Thử Viết Lại Lịch Sử Dân Tộc Ta và lặp lại kết luận chính trong Luc Độ tập Kinh và Lịch Sử Khởi Nguyên Dân Ta.[9]

V. KẾT LUẬN
Với những chứng cứ lịch sử rõ ràng và cụ thể trên cùng với việc xác định nguồn gốc An Dương Vương và Triệu Đà cũng như ranh giới của Nam Việt như trên, bây giờ chúng ta đi đến khẳng định một cách chắc chắn mà không còn gì phải bàn cãi nữa là triều đại Hùng Vương tồn tại cho đến thời hai Bà Trưng (43 sdl).
Tuy nhiên, kết luận này cũng làm phát sinh một thắc mắc là, tại sao triều đại hùng vương tồn tại lâu như thế mà chỉ có mười tám đời?
Theo giáo sư Lê Mạnh Thát, con số mười tám là do ảnh hưởng của anh hùng ca Mahabharata do mười tám đội quân của hai bên Yudhisthira và Duryodhana đánh nhau trên cánh đồng Kuru. Đồng thời, trong mười tám đời Hùng vương thì mỗi đời lại có Hùng vương thứ I thứ II, III … Như Hùng Duệ vương thì có Hùng Duệ vương I, Hùng Duệ vương II, Hùng Duệ vương III…
Như vậy, việc khẳng định triều đại Hùng vưong tồn tại đến thời Hai Bà Trưng là không còn nghi ngờ gì nữa.
Vấn đề còn lại là tại sao cho đến hiện nay, các nhà viết sử Việt Nam vẫn tiếp tục phạm phải những sai lầm mà Giao Châu Ngoại Vức KýQuảng Châu KýNam Việt ChíNhật Nam Truyện và các bộ sử Việt Nam y cứ theo các bộ sử trên như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Đại Việt Sử Lược, An Nam Chí Lược đã mắc phải. Trong khi Sử KýTiền Hán Thơ là hai bộ sử chính yếu liên hệ đến những vấn đề lịch sử cổ đại của Trung Quốc, Việt Nam và các nước trong khu vực, lại bị các nhà viết sử thời cận hiện đại và hiện nay xem nhẹ. Các nhà viết sử trước đây và hiện nay chẳng những bỏ quên những điều được đề cập trong Sử KýTiền Hán Thơ để mặc cho những sai lầm càng sai lầm hơn, mà thậm chí có những sử gia, nhất là các sử gia vọng ngoại còn cố tình xuyên tạc, nhập nhèm muốn đồng hoá dân tộc ta với ngoại bang, mà một số tác phẩm sử học đã cho thấy.
Nhân bài nghiên cứu này, chúng tôi ước mong sao giáo sư Lê mạnh Thát làm việc với Viện Sử Học Việt Nam, Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam và các viện ngành liên quan, tổ chức một cuộc hội thảo về Lịch sử Việt Nam, nhất là cổ sử để công bố công trình đã nghiên cứu và thảo luận một cách nghiêm túc, rộng rãi, nhằm đi đến biên soạn lại một Bộ sử Việt Nam đúng như lịch sử của nó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Lê Mạnh Thát, Lục Độ Tập Kinh và Lịch Sử khởi Nguyên Dân Tộc Ta, Sài Gòn: Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, 1972; Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, I, Huế: Thuận Hóa, 1999.
Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, TP.HCM: NXB Tổng Hợp Tp.HCM, 2005.
Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, I, Hà Nội: NXB Văn Học, 1994.
Ngô Đức Thọ (dịch), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, I, Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, 2004.
Viện Sử Học (dịch), Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (nguyên tác chữ Hán của Quốc Sử Quán triều Nguyễn), Hà Nội: NXB Giáo Dục, 1998.
Nguyễn Gia Tường (dịch), Đại Việt Sử Lược (nguyên tác chữ Hán của Khuyết Danh), TP. HCM: NXB TP.HCM, 1993.
Ủy Ban Phiên Dịch Sử Liệu Việt Nam, An Nam Chí Lược (nguyên tác chữ Hán của Lê Tắc), Huế: Viện Đại Học Huế, 1961.
UBKHXHVN, Lịch Sử Việt Nam, I, Hà Nội, 1985.
Chú thích

[1] Xem Lê Mạnh Thát, Lục Độ Tập Kinh và Lịch Sử Khởi Nguyên Dân Tộc ta, Sài Gòn: Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, 1972, tr. 10-11
[2] Dẫn lại theo Lê Mạnh Thát, Sđd, tr. 144-115
[3] Lê Mạnh Thát, Sđd, tr. 116
[4] Dẫn lại theo Lê Mạnh Thát, Sđd, tr.113
[5] Lê Mạnh Thát, Sđd, tr. 125
[6] Lê Mạnh Thát, Sđd, tr. 8
[7] Xin xem Lê Mạnh Thát, Sđd, tr. 111- 194
[8] Lê Mạnh Thát, Sđd, tr. 341-342
[9] Xim xem Lê Mạnh Thát, Sđd, tr. 126



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét