Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Bích họa trên đá mô tả khởi nghĩa Hai Bà Trưng?


Bích họa trên đá mô tả khởi nghĩa Hai Bà Trưng?



GS. Dương Chí Thành cho rằng những bích họa mô tả cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị đầu công nguyên.

Càng quan sát kỹ, tôi càng có cảm giác ma mị từ những hình vẽ bí ẩn này. Những hình vẽ như thể lặn sâu vào trong đá, hiện ra khi gặp nước, rồi lại chìm vào vĩnh cửu. Tôi xé mẩu giấy trắng, quẹt vào một đường nét nhỏ của một hình vẽ không quan trọng lắm, thì thấy hiện tượng lạ: màu đỏ thôi ra giấy như màu máu. Tuy nhiên, khi nước trên tờ giấy bị gió thổi khô, thì cái màu đỏ như màu máu ấy cũng nhạt dần rồi biến thành màu vàng nhờ nhờ của đá.

Nhiều bích họa ở rất cao trên vách đá. 

Việc quẹt mẩu giấy vào hình vẽ cũng thôi màu ra dễ dàng, vậy mà hình vẽ vẫn tồn tại rõ nét hàng trăm, hàng ngàn năm nay thì thật khó hiểu. Quan sát kỹ trên các bích họa, tôi thấy nhiều chỗ vết đá bị đục đẽo nham nhở, có chỗ bị đục sâu vào 1-2cm. Rõ ràng đó là vết đục chứ không phải vết vỡ tự nhiên. Nhưng điều lạ là các nét vẽ vẫn không mất đi dù bị đục phá. 

Tôi thắc mắc điều này, thì Nguyễn Văn Nhàn, anh chàng lái đò giải thích rằng, ngày còn bé, chính Nhàn và đám bạn chăn trâu thường vào khu vực này bắt dơi, vặt xoài. Biết trên vách đá có những bích họa mà người lớn bảo là của ma quỷ, song Nhàn và đám bạn không sợ, cứ lấy dao, liềm đục phá, lấy đá cuội ghè, tìm cách phá hủy. Thôi thì đủ kiểu phá hoại, chỉ vì tính tò mò và ngứa tay của đám trẻ trâu.

Nhàn cùng đám bạn thời nhỏ thường đục đẽo những bích họa này. 

Nhưng có điều kỳ lạ, là sau khi đục đẽo phá hoại chán chê, thậm chí không nhìn thấy những bích họa nữa, nhưng chỉ một thời gian sau, dội nước lên, lại thấy chúng hiện rõ mồn một, không mờ hơn trước tẹo nào. Phá chán không được thì thôi, sau này lớn lên, có ý thức, thì không ai phá hoại nữa. Trẻ nhỏ bây giờ cũng không biết đến sự tồn tại của các bích họa trong vách núi này, nên nó được bảo tồn khá tốt.

Quan sát kỹ, thì những hình vẽ này được vẽ trực tiếp lên mặt đá tự nhiên, không có dấu hiệu của sự mài dũa, tạo tác lại mặt vách đá, cũng không có dấu hiệu của vết xăm trên đá. Thế nhưng, chất liệu của hình vẽ này lại ngấm rất sâu trong đó, đến nỗi cạo, đục cũng không làm mất được nét vẽ. Tôi trộm nghĩ rằng, có lẽ, đây là bí quyết của người xưa, mà chất liệu vẽ của họ có khả năng ngấm sâu vào trong đá.

Dù bị chặt chém, đục đẽo, song bích họa vẫn không biến mất. 

Một câu hỏi rất thú vị, nhưng không dễ gì có thể trả lời: Ai là truyền nhân của những hình vẽ bí ẩn trên vách núi Cửa Chùa này?

Núi Cửa Chùa cũng như hầu hết các dãy núi khác ở Ninh Bình là núi đá vôi, nên có rất nhiều hang động. Riêng núi Cửa Chùa cũng có vô số hang động rất sâu và thông với nhau. Cách khu vực mái đá có hình vẽ độ 70m có một khá hang sâu. Theo anh chàng lái đò Nguyễn Văn Nhàn, hang đá này có rất nhiều dơi. Thời trẻ, Nhàn thường cùng trẻ con trong xóm vào hang quây lưới bắt dơi. Tuy nhiên, hang này dốc đứng nên không xuống sâu được. Tôi thử ném đá vào trong, nghe rõ tiếng dơi bay u u trong động.

Hình vẽ này có liên quan gì đến người nguyên thủy từng sống trong hang Thúi Thó?

Trong số những hang động ở dãy núi Cửa Chùa, đáng chú ý nhất là hang Thú Thó, nằm ngay chân núi, cách mái đá có bích họa không xa lắm. Tại hang động, các nhà khoa học Ninh Bình đã phát hiện một số mảng trầm tích, cách ngày nay trên 10.000 năm ken dầy vỏ ốc suối, vỏ trai nước ngọt, ốc núi, xương thú... Như vậy, vào thời điểm cách ngày nay trên 10.000 năm đã có người cổ sinh sống và trú ngụ trong hang động này. Phải chăng, đây là những bích họa của người nguyên thủy? Dù sao, đây cũng là một giả thuyết, dù khó có thể tìm được cứ liệu để chứng minh.

Ngược về lịch sử hàng ngàn năm trước, vùng đất Vân Long mang nhiều huyền thoại. Đây là nơi sinh ra 4 nữ tướng của Hai Bà Trưng, thánh Nguyễn Minh Không (Không Lộ thiền sư) và vua Đinh Tiên Hoàng. Như vậy, Vân Long chính là vùng đất sinh vương, sinh thánh.

Hình thức tế lễ cổ, hay mô tả về chiến thắng của vua Đinh? 

Cố GS. Trần Quốc Vượng từng có thời gian về đây nghiên cứu và theo ông đây là vùng đất cổ rất quan trọng, có nhiều truyền thuyết truyền lại trong dân gắn với các di tích lịch sử quan trọng, đặc biệt là thời kỳ Hai Bà Trưng và Đinh Tiên Hoàng, cần phải làm sáng rõ.

GS. Trần Quốc Vượng phát hiện ra một điều lạ là tên làng, tên xã ở vùng đất này có nghĩa như địa danh hành chính quốc gia và chức vụ triều đình. Chẳng hạn như thôn Chi Lễ (là chức vụ tương đương chánh văn phòng), thôn Phù Long (nghĩa là đất triều đình), làng Mai Chung (hội nghị), Tập Ninh (quan võ), Chung Hòa (quan văn)… Rồi các loại cửa ra vào như Cung Quế, Cung Sỏi (cửa triều đình). Vườn thì có Long Viên Vườn, Vườn Thị, Vườn Trầu… Qua đây, có thể thấy, vùng đất này có liên quan đến triều đình thời Đinh Tiên Hoàng xưng vương.

Hay đây là bích họa mô tả khởi nghĩa Hai Bà Trưng? 

Nhắc đến vùng đất Vân Long, phải nhắc đến Tứ vị Hồng Nương, 4 nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Ngày Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa, 4 bà đã rời vùng quê Gia Viễn theo Hai Bà Trưng đi đánh giặc Hán. Ngày chiến thắng, đóng đô ở Phong Châu, do có công lớn đánh giặc, Bà Trưng ban thưởng cho 4 vị nữ tướng. Tuy nhiên, 4 bà không nhận châu báu, mà xin Bà Trưng miễn thuế cho dân chúng nơi 4 bà đi qua trong một ngày. Hai Bà Trưng đã cấp cho 4 nữ tướng quản lý mảnh đất mà 4 bà đi qua từ lúc mặt trời mọc, đến khi mặt trời lặn. Dân vùng đó không phải đóng thuế cho nhà nước vì đã có công sinh thành 4 vị nữ tướng tài ba. 

Sau này, Bà Trưng về thăm Tứ vị Hồng Nương, thấy mảnh đất núi đồi nhấp nhô giữa cánh đồng ngập nước trắng xóa, như thể rồng lượn trên mây, nên đã đặt tên cho vùng đất là Vân Long. Năm 1996, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên, khi đó là giám đốc Khách sạn Hoa Lư, làm đề tài nghiên cứu về vùng đất ngập nước Gia Viễn để phát triển du lịch. Ông đã tập hợp các cụ già trong vùng để lấy ý kiến và thống nhất đặt tên vùng đất ngập nước rộng 3.500ha này là Vân Long, theo tên Hai Bà Trưng đặt khi xưa. Năm 1998, Khu bảo tồn ngập nước Vân Long được thành lập.

Tìm hiểu trong vùng, tôi nhận thấy rằng, ở vùng Vân Long này, làng nào cũng thờ Tứ vị Hồng Nương. Người dân trong vùng coi 4 bà như vị thánh, là mẹ của dân làng. Tổng số có đến 24 ngôi đền thờ 4 nữ tướng này ở Vân Long.

Bích họa ở Quảng Tây (Trung Quốc). (Ảnh TS. Trình Năng Chung cung cấp) 

Xét rộng và sâu về lịch sử vùng Vân Long một chút, để có sự liên tưởng đến những bích họa trên mái đá dãy núi Cửa Chùa.  
  
Các cụ già trong xóm đặt giả thuyết rằng, phải chăng, những bích họa trên núi có liên quan đến việc vua Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân? Hình ảnh người to lớn tay cầm chùy, tay cầm đao là tướng, còn những người nhỏ nhảy múa reo hò, tay cầm vũ khí là quân, ăn mừng chiến thắng?

Trong quá trình tìm hiểu về bích họa trên đá, tôi may mắn có được tập tài liệu đã dịch ra tiếng Việt, do TS. Trình Năng Chung, Trưởng phòng Khoa học (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cung cấp. Theo tài liệu này, thì vùng Quảng Tây (giáp Việt Nam) cũng có rất nhiều bích họa trên đá, mà họ gọi là nham họa. Năm 1956, GS. Dương Chí Thành, thuộc Học viện dân tộc Trung ương Trung Quốc, đã công bố tài liệu “Ninh Minh huyện Minh Giang lưỡng ngạn nhai bích cổ họa điều tra” cho rằng, những bích họa ở Quảng Tây mô tả cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị đầu công nguyên. GS. Thành cho rằng, những bích họa này là di tồn của cuộc khởi nghĩa đó. 

Ảnh trên vách đá ở Quảng Tây mô tả khởi nghĩa Hai Bà Trưng! (Ảnh TS Trình Năng Chung cung cấp). 

Tài liệu “Vu thuật văn hóa đích di tồn - Quảng Tây Tả Giang nham họa phẩu tích” và “Quảng Tây Tả Giang nham họa” của Vương Khắc Vinh, Khâu Trung Luận, Trần Viễn Chương (Trung Quốc) viết: Căn cứ vào sự khác biệt của các hình vẽ trên nham họa biểu hiện ra, cho rằng nội dung mà nham họa phản ảnh là các loại hoạt động lễ nghi vu thuật của người Lạc Việt, như các hoạt động tế ngày, tế trống, lễ sông, lễ quỷ thần, lễ thần ruộng, lễ thần đất, cầu chiến tranh thắng lợi, tế người, tế vật tổ…

Liệu bích họa trên vách núi Cửa Chùa có liên hệ gì với thời kỳ Hai Bà Trưng khởi nghĩa, và có liên hệ với những hình vẽ ở Quảng Tây? Càng nghiên cứu, tìm hiểu, càng thấy nhiều thú vị sau những bích họa ẩn trong vách đá triệu năm tuổi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét