Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

THỜI HÙNG VƯƠNG QUA TRUYỀN THUYẾT VÀ HUYỀN THOẠI, phần 1


Tác giả: Nguyễn Vũ Tuấn Anh
Nguồn: Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông Phương - NXB Văn hóa thông tin
Nhưng may thay, sự phát triển của khoa học lịch sử những năm gần đây qua những di vật tìm được đã khẳng định: Thời Hùng Vương là một thời đại có thật. Nhưng những vấn đề của thời Hùng Vương vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi về thực trạng xã hội và niên đại của thời kỳ lịch sử này. Nhân lễ hội giỗ Tổ năm 98, báo chí vẫn còn nhắc tới hơn 4000 năm lịch sử và nền văn hiến của dân tộc Việt tính từ thời Hùng Vương. Nhưng trong một số những tác phẩm chuyên ngành thì cho rằng: Thời Hùng Vương chỉ bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ VII tr.CN và kết thúc từ năm 208 tr.CN; do đó nước Việt Nam chỉ có khoảng 2.500 năm lịch sử!
Trong cuốn Thế thứ các triều đại vua Việt Nam (Nguyễn Khắc Thuần, Nxb Giáo Dục 1997, tr. 15) đã viết:
Trái với ghi chép của chính sử cũ và các tài liệu dã sử khác, các nhà nghiên cứu cho rằng: Nước Văn Lang của các vua Hùng chỉ tồn tại trong khoảng 300 năm và niên đại tan rã khoảng năm 208 tr.CN. Với 300 năm, con số 18 đời Hùng Vương là con số dễ chấp nhận. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà khẳng định rằng nước Văn Lang thực sự có 18 đời vua Hùng nối tiếp nhau trị vì.
Tóm lại, nước Văn Lang là một thực thể có thật của lịch sử. Nhưng nước Văn Lang chỉ tồn tại trước sau khoảng 300 nămvà con số 18 đời vua Hùng cho đến nay vẫn chỉ là con số của huyền sử.
Về thực trạng thời Hùng Vương, nhiều người cho rằng đó là một thời kỳ chưa được văn minh lắm. Cụ thể hơn trên báo“Pháp luật và xã hội” số ra nhân dịp lễ Tổ Hùng Vương Mậu Dần 1998 - tác giả Anh Phó - với tựa đề “Trang phục tổ tiên ta như thế nào?” đã viết (phần in đậm do người viết thực hiện):
“... Nói vua Hùng làm vua nước Văn Lang, nhưng kỳ thực vua Hùng không giống như những ông vua quân chủ phong kiến của thế hệ sau; nước Văn Lang cũng chưa đủ yếu tố cấu thành một quốc gia hoàn chỉnh mà lúc ấy nước Văn Lang chỉ mới là một liên minh giữa 15 bộ lạc, người đứng đầu liên minh là tù trưởng đứng đầu bộ lạc Văn Lang - một bộ lạc hùng mạnh nhất trong số 15 bộ lạc. Vị tù trưởng ấy là vua Hùng.
Hình thức trang phục thời Hùng Vương ngày nay chúng ta còn có thể hình dung được qua những hình chạm khắc trên trống đồng, khạp đồng, lưỡi rìu đồng... đó là những cổ vật có niên đại từ giữa thiên niên kỷ thứ nhất tr.CN đến đầu CN, tìm thấy qua các di chỉ khảo cổ ở Bắc bộ ngày nay.
Nói chung, trang phục tổ tiên ta thời đó là cởi trần, đi đất, đóng khố, mặc váy, vật liệu chủ yếu làm bằng lông cầm thú và lá cây. Thời ấy có lẽ đã có vải nhưng còn thô sơ và chưa nhiều. Khố là một dải vải hẹp, thắt vòng quanh bụng, rổi từ đó thắt vòng xuống háng, đuôi khố phía sau để dài đến chấm mông. Hầu hết nam nữ đều ở trần, không mặc áo, cả nam lẫn nữ. Và thời đó tổ tiên ta không có trang phục ở phần chân, tất cả đều đi chân đất... chiếc mũ đội của tổ tiên ta “làm bằng lông vũ có thể lấy từ lông cánh, lông đuôi chim dài, cắm dài và dựng đứng thành vòng tròn theo khuôn đầu. Phía trước điểm chêm, cao vọt lên là những bông lau, có khi cao bằng cả người”.
Như vậy, thời Hùng Vương chưa phải đã văn minh lắm, song phong tục về ăn mặc đã hình thành và ổn định. Bao nhiêu hình ảnh được chạm khắc trên cổ vật như nói trên ắt là hình ảnh phổ biến. Thường là hình ảnh của tầng lớp trên của xã hội lúc bấy giờ. Nó luôn luôn thể hiện tính chất gọn gàng, thích nghi với điều kiện khí hậu và lao động.
Theo chúng tôi nghĩ, đời nay, khi con cháu tái lập lại hình ảnh tổ tiên, chúng ta cũng cần để ý đến tính khoa học của nó. Không nên để đời sau có thể hiểu lầm rằng tổ tiên người Việt là Trung Quốc, như một số ý kiến đã từng cố sức phủ nhận thời kỳ Hùng Vương, bằng cách chứng minh rằng “Hùng Vương chỉ là tên các vua nước Sở”...Quan niệm mới cho rằng thời Hùng Vương tồn tại khoảng 300 năm, không phải chỉ dừng lại ở vài quyển sách, bài báo đặt vấn đề một cách dè dặt mà gần như đã được khẳng định. Qua bài báo đăng trên một tạp chí được phát hành rộng rãi là“Kiến thức ngày nay”, số 256, phát hành ngày 1/9/97 - với tựa đề “Thời điểm lập quốc và quốc hiệu Việt Nam” của tác giả Nguyễn Anh Hùng, đã viết:
Các nhà sử học ngày càng thống nhất chung quan điểm khi cho rằng nhà nước đầu tiên trên đất nước ta chỉ có thể xuất hiện vào thời văn hóa Đông Sơn – giai đoạn phát triển đỉnh cao của thời
đại đồ đồng và giai đoạn đầu của thời kỳ đồ sắt. Quan niệm này được cộng đồng khoa học thế giới thừa nhận - chẳng hạn trong nhiều công trình lịch sử, xã hội học của các tác giả nước ngoài đã dùng từ “văn minh” (civilization) thay vì “văn hóa” (culture) khi bàn về văn hóa Đông Sơn. Do vậy chỉ có thể dùng niên đại văn hóa Đông Sơn làm giới hạn đầu cho thời kỳ lập quốc của dân tộc ta cách đây chừng 25 - 27 thế kỷ. Nó cũng phù hợp với ghi chép của Việt Sử lược - bộ sử khuyết danh nhưng có độ chính xác cao, được biên soạn sớm nhất ở nước ta - theo đó, “Đến thời Trang Vương nhà Chu (696-681 tr.CN), ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô tại Phong Châu, phong tục thuần phác, chính sự dùng nối kết nút, truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”.
Những hình ảnh trang phục của tổ tiên – theo cách hiểu như trên – cũng được thể hiện trong tập “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” do Nxb Trẻ xuất bản vào năm 1996.
Vua Hùng và các quan lang
Hình minh họa cho bài báo nói trên:
(Lịch sử Việt Nam bằng tranh Tập 3, Nxb Trẻ 1996)
Và có lẽ bài báo sau đây của tiến sĩ Vũ Minh Hoàng sẽ khái quát được toàn cảnh sự nhận thức vấn đề lịch sử thời Hùng Vương. Trong tạp chí “Thế giới mới” số 89 năm 1994 qua bài “Có phải Việt Nam lập quốc cách đây 4000 năm?”, trong mục“Nhìn lại lịch sử” tác giả Tiến sĩ Vũ Minh Hoàng đã viết:
“Mỗi quốc gia đều có thời điểm bắt đầu lịch sử văn minh của mình. Đó là lúc nhà nước đầu tiên xuất hiện.Trong lịch sử Việt Nam, điểm khởi đầu là thời các vua Hùng dựng nước. Từ lâu có một quan niệm phổ biến gần như hiển nhiên, cho rằng cách đây 4000 năm, chúng ta đã bước vào thời lập quốc. Những cụm từ như “4000 năm lịch sử”, “4000 năm dựng nước và giữ nước” hay “4000 năm văn hiến”… trở thành rất quen thuộc trong tiếng Việt.
Quan niệm trên đây thực ra chưa từng được khoa học chứng minh và vì vậy cần xem nó có chính xác hay không?
Từ truyền thuyết đến lịch sử
Dân tộc ta có một hoàn cảnh lịch sử khá đặc biệt: vừa bước vào thời kỳ dựng nước chưa được bao lâu thì mất nước. Hơn một nghìn năm bị đô hộ, lịch sử văn hiến của người Việt đã hầu như bị xóa mất mọi dấu vết về một thời văn minh của dân tộc. Do vậy lịch sử dựng nước của dân tộc ta không được ghi chép để truyền lại. Điều duy nhất mà những thế lực đô hộ không thể xoá được là ký ức của nhân dân về lịch sử của cha ông mình. Chính vì lẽ đó mà thời kỳ lập quốc của dân tộc Việt Nam, trong một thời gian dài, chỉ được phản ánh trong các huyền thoại hoặc truyền thuyết dân gian. Những câu chuyện kể về 18 đời vua Hùng nối nhau trị nước hay những truyền thuyết về sự tích “bánh chưng, bánh dầy”, sự tích “trầu cau”… liên quan đến phong tục tập quán và cuộc sống của người xưa là những mảng màu còn giữ được trong ký ức của nhân dân, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác về thời đại Hùng Vương. Huyền thoại Sơn Tinh, Thuỷ Tinh và thiên anh hùng ca Thánh Gióng là những hình tượng khái quát do nhân dân sáng tạo nên để truyền cho nhau về sự nghiệp của cha ông thời mở nước. Những “pho sử” không thành văn này đã tỏ ra có sức sống mãnh liệt trong suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc.
Sau khi giành được độc lập, đất nước ta bước vào kỷ nguyên phục hưng và phát triển. Nhu cầu nhận thức về nguồn gốc và ý thức tự tôn dân tộc và thôi thúc các nhà sử học yêu nước tìm hiểu về lịch sử thời Hùng Vương. Đến thời Trần – Lê những truyền thuyết và huyền thoại bấy lâu chỉ lưu truyền trong dân gian lần đầu tiên được sưu tầm, biên khảo và ghi chép lại trong các tài liệu thành văn. Các bộ sách Việt điện u linh của Lý tế Xuyên và Lĩnh Nam chích quái của Trần Thể Pháp lần lượt ra đời. Đặc biệt, đến thế kỷ XV, nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã chính thức đưa những tư liệu dân gian đó vào bộ chính sử đồ sộ, do ông và các sử thần triều Lê biên soạn. Trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã dành riêng một kỷ đặt tên là “Kỷ Hồng Bàng” để trình bày một cách có hệ thống các truyền thuyết mà ông tập hợp được với một diễn biến thế phổ: Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Hùng Vương. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra những niên đại tuyệt đối cho thời đại lịch sử này. Theo đó, Kinh Dương Vương (ông nội của Hùng Vương thứ nhất) lên ngôi vào thời Chu Noãn Vương thứ 57(?) (năm 2879 trước Công nguyên – TCN) và năm cai trị cuối cùng của Hùng Vương thứ 18 là năm 258 TCN. Nhưng sự cố gắng chứng minh Việt Nam có lịch sử văn minh lâu đời của Ngô Sĩ Liên không khỏi gây ra sự băn khoăn, hoài nghi của các nhà sử học thuộc các thời đại sau. Ông viết như vậy, nhưng không nêu ra được những cơ sở khoa học có sức thuyết phục. Chính bản thân ông theo sự trình bày những điều trên cũng phải hạ bút viết câu: “ Hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi”.
Quả thực, những điều Ngô Sĩ Liên đưa vào chính sử đều là huyền thoại và truyền thuyết. Các chuyên gia về văn học dân gian thừa nhận rằng các truyền thuyết và huyền thoại luôn chứa đựng trong nó những cốt lõi lịch sử. Nhưng đó không phải là lịch sử. Không thể dựa vào truyền thuyết để xác định niên đại tuyệt đối cho các sự kiện lịch sử. Vả lại khung niên đại về thời gian trị vì của 20 ông vua thời dựng nước do Ngô Sĩ Liên đưa ra lên tới 2622 năm (2879 – 258 tr.CN) là điều phi lý, không thể chấp nhận. trong khoảng thời gian đó, mỗi ông vua trung bình phải cai trị tới hơn 130 năm
Thời đại dựng nước có thể bắt đầu từ bao giờ?
Về phương diện lý luận, Nhà nước chỉ có thể ra đời trên cơ sở kinh tế đã phát triển, tạo tiền đề cho những chuyển biến xã hội tới mức có sự phân hoá.Thực tế lịch sử văn minh nhân loại chỉ ra rằng các nhà nước đầu tiên trên thế giới thường xuất hiện vào giai đoạn rực rỡ của thời đại đồ đồng hoặc đầu thời đại đồ sắt.
Nhờ các phát hiện khảo cổ học, khoa học lịch sử Việt Nam đã xây dựng khá hoàn chỉnh một sơ đồ diễn biến văn hoá vật chất, từ sơ kỳ thời đại đồ đồng đến sơ kỳ thời đại đồ sắt với các giai đoạn chủ yếu sau:
Văn hoá Phùng Nguyên – Văn hoá Đồng Đậu – Văn hoá Gò Mun – Văn hoá Đông Sơn.
Theo kết quả xác định niên đại bằng phương pháp các bon phóng xạ (C14), văn hoá Phùng Nguyên (thuộc giai đoạn sơ kỳ đồ đồng) tồn tại cách ngày nay khoảng trên dưới 4000 năm. Nêu theo quan niệm dân gian thì thời điểm nhà nước đầu tiên xuất hiện trên đất nước ta tương ứng với niên đại của văn hoá Đông Sơn. Nhưng các chứng cứ vật chất được khảo cổ học phát hiện đã không cho phép kết luận như vậy. Ở thời Phùng Nguyên, mặc dù đã sớm bước vào thời đại đồ đồng, nhưng công cụ bằng đá vẫn còn phổ biến và chiếm ưu thế tuyệt đối. Trong tất cả những di chỉ đã khai quật thuộc loại hình văn hoá này, ngoài vài mẩu xỉ đồng, chưa hề tìm thấy bất kỳ một công cụ bằng đồng nào.Các nhà sử học đã thống nhất nhận định rằng cư dân thời Phùng Nguyên chưa vượt ra khỏi phạm trù của hình thái công xã nguyên thủy. Có nghĩa là không thể nói từ cách đây 4000 năm, nước ta đã bước vào thời đại văn minh, đã có nhà nước.
Tiếp theo văn hoá Phùng Nguyên và các giai đoạn phát triển của Văn hoá Đồng Đậu và Gò Mun. Tuy số lượng và chất lượng của công cụ đồng thau có xu hướng ngày càng tăng, nhưng cũng chưa thấy bằng chứng rõ rệt về phân hoá xã hội – tiền đề cần thiết cho sự xuất hiện nhà nước.
Tất cả những chứng cứ hội đủ điều kiện cho sự ra đời của nhà nước đều tìm thấy ở giai đoạn Văn hoá Đông Sơn. Ở giai đoạn này, con người đã làm chủ được kỹ thuật đúc đồng và bắt đầu biết chế tác công cụ từ quặng sắt. Chủ nhân văn hoá Đông Sơn đã có thể chế tạo ra những vật dung tinh xảo, đòi hỏi trình độ kỹ thuật và óc thẩm mỹ cao, như trống đồng, thạp đồng. Nhiều tài liệu khảo cổ học cho thấy nền kinh tế thời Đông Sơn phát triển khá cao. Đặc biệt, sự phân hoá giai tầng cũng đã có những biểu hiện rõ nét. Chẳng hạn, trong di chỉ mộ táng Việt Khê (Hải Phòng), được xác định niên đại tuyệt đối là 2415 ± 100 năm (tính đến năm 1950), thuộc thời đại Đông Sơn, các nhà khảo cổ học phát hiện 4 ngôi mộ chôn quan tài hình thuyền. Ba ngôi trong số đó hoàn toàn không có hiện vật chôn theo. Trong khi đó, có một ngôi người chết được chôn theo 107 hiện vật với 73 hiện vật bằng đồng, trong đó có những đồ dùng sang trọng như thạp, thố, bình, âu, khay, ấm… Chắc chắn khi sống, chủ nhân của ngôi mộ này phải là người giàu sang và có nhiều quyền thế. Sự khác biệt giữa các ngôi mộ phản ánh sự phân biệt thân phận xã hội của họ khi còn sống.
Các nhà sử học có xu hướng thống nhất ngày càng cao, cho rằng nhà nước đầu tiên trên đất nước ta chỉ có thể xuất hiện vào thời đại Đông Sơn – giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của văn hoá đồ đồng đang bước sang giai đoạn đầu của thời đại đồ sắt. Ý kiến này được các nhà khoa học quốc tế thừa nhận. Trong nhiều giáo trình và tài liệu nước ngoài đã dùng từ văn minh (civilization) khi nói về giai đoạn văn hoá Đông Sơn của Việt Nam. Như vậy thì chỉ có thể dùng niên đại của Văn hoá Đông Sơn làm giới hạn đầu cho thời đại dựng nước của Việt Nam. Đó là khoảng 2.500 – 2.700 năm nay. Điều này phù hợp với ghi chép của sách Việt sử lược - một bộ sử khuyết danh nhưng được biên soạn sớm nhất ở nước ta. Sách viết:
“Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-681 TCN), ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, phong tục thuần phác, chính sự dùng lối kết nút, truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”.
Chúng ta có quyền tự hào về lịch sử văn minh lâu đời của dân tộc. Nhưng điều không kém phần quan trọng là cần tự hào đúng với cái mình có. Với tinh thần đó, năm 1992. Quốc hội nước ta đã tiếp thu sự góp ý của các nhà sử học, sửa lại cụm từ “Trải qua 4.000 năm lịch sử…” được ghi trong lời mở đầu của Hiến pháp năm 1980, thành cụm từ “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử…”.Viết như vậy vừa là tôn trọng sự khách quan của lịch sử, vừa rộng đường cho sự phát hiện mới của khoa học. Vả lại, với hơn 2.500 năm lịch sử Việt Nam vẫn thuộc vào hàng các nước có nền văn minh sớm trên thế giới và là dân tộc có lịch sử lâu đời nhất ở khu vực Đông Nam châu Á.
Chú thích của bài báo: (*) Tác giả hiện là Chủ nhiệm khoa Sử trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (BT).
So sánh với quan điểm mới về thời Hùng Vương được trình bày ở trên với một số bộ chính sử của các triều đại Việt Nam trước đây ghi chép lại, thì thời kỳ Hùng Vương tồn tại 2622 năm (từ 2879 tr.CN đến 258 tr.CN). Như vậy, giữa quan niệm của một số học giả hiện nay và sử cũ có một khoảng cách quá lớn. Sự chênh lệch thời gian của khoảng cách này là gần 2500 năm, tức là xấp xỉ một nửa lịch sử của nhân loại kể từ khi các quốc gia cổ đại đầu tiên của loài người được thành lập.
Cổ nhân khi viết về thời Hùng Vương có thể sai lầm đến như vậy chăng?
So sánh với sử cũ thì quan niệm mới cho rằng: thời Hùng Vương chỉ tồn tại 300 năm và là một quốc gia lạc hậu, quan niệm này sẽ có những mâu thuẫn khó lý giải trong sự tương tác của không gian lịch sử với thời đại Hùng Vương và sự diễn biến của thời gian lịch sử về sau.
Về sự tương tác trong không gian lịch sử thời Hùng
Vào thời điểm xuất hiện nước Văn Lang, nếu cho rằng chỉ tồn tại khoảng 300 năm – tức là khoảng 500 năm tr.CN – lúc đó, những quốc gia bên cạnh nước Văn Lang đã bước vào thời đại đồ sắt từ lâu với những kỹ thuật cao cấp và một nền văn minh phát triển về văn hóa, xã hội; kể cả những luận thuyết quân sự còn được sử dụng đến tận bây giờ cho khoa học quân sự hiện đại (như Binh pháp Tôn Tử). Đó là dân tộc Hán ở phía Bắc, hoặc như Phù Nam ở phía Nam, mà những di vật tìm được gần đây đã chứng tỏ nền văn minh của những đất nước này phát triển rất rực rỡ từ trước thời gian đó. Liệu một nước Văn Lang có thể hình thành và tồn tại một cách lạc hậu bên cạnh các dân tộc đó suốt 300 năm hay không?
Về quan hệ giao lưu văn hoá
Một điều khó lý giải tiếp theo là: yếu tố cần yếu để có sự phát triển cho lịch sử tiến hoá xã hội của con người là phải có sự giao lưu văn hoá dưới mọi hình thức. Thực tế lịch sử đã cho thấy: ngay cả khi loài người chuẩn bị bước vào thế kỷ 21, vẫn còn những tộc người sống ở thời kỳ bán khai, khi không có sự giao lưu văn hoá. Trong khi đó, những sự kiện khảo cổ đã cho thấy ở Việt Nam đã có sự hiện diện của người Tiền sử (di chỉ núi Đọ với những di vật được xác định niên đại cách đây cả hàng chục ngàn năm). Do đó, thật khó tưởng tượng được một sự tiến hoá khép kín của những tộc người tồn tại từ sơ kỳ thời đồ đá (như di chỉ Núi Đọ đã chứng tỏ), trải hàng ngàn năm đến thời đại đồ đồng phát triển, trong một không gian hẹp ở miền Trung và Bắc Việt Nam.
Về diễn biến của thời gian lịch sử về sau
Dân tộc Việt Nam đã mất nước và chịu sự đô hộ nghiệt ngã của các triều đại phong kiến phương Bắc hơn 1000 năm. Một ngàn năm không phải là một con số được đọc trong một giây, mà là thời gian của 10 thế kỷ. Chỉ trong thế kỷ 20 này, người Việt đã chứng kiến sự lụi tàn của Nho giáo – một học thuyết (vốn được coi là thuộc về văn minh Hoa Hạ) đã tồn tại, hòa nhập và ảnh hưởng sâu sắc đến bản sắc văn hóa Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Nếu tính từ lúc Nho giáo du nhập vào Việt Nam thì đã 1800 năm. Còn nếu tính Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống dưới triều Hậu Lê thì cũng hơn 500 năm. Vậy mà chỉ mới có cuộc xâm lăng của nước Pháp với sự du nhập của văn minh phương Tây, Nho giáo đã gần như tan biến. Thật là khó lý giải khi cho rằng: Văn Lang có một nền văn minh lạc hậu và tính từ khi hình thành đến kết thúc chỉ có 300 năm – lại có thể để lại bản sắc và dấu ấn cho con cháu lưu truyền qua hơn 1000 năm dưới ách đô hộ với một âm mưu đồng hóa tàn khốc và kiên trì qua nhiều thế hệ.
Xuất phát từ nhận xét những mâu thuẫn khó thuyết phục của quan niệm mới về thời Hùng Vương, dẫn đến sự ra đời của cuốn sách nhỏ này để chứng minh cho một quan niệm khác, dựa trên cơ sở phân tích những truyền thuyết còn lại gồm: Truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên”, “Phù Đổng Thiên Vương”, “Bánh Chưng Bánh Dầy”, “Trương Chi - Mỵ Nương”, sự tích “Đầm Nhất Dạ“, sự tích “Trầu Cau”, sự tích “Quả Dưa Hấu”, “Sơn Tinh Thủy Tinh”, “Thạch Sanh”, “Mỵ Châu - Trọng Thủy”.
Thời Hùng Vương – một thời đại đã đi vào huyền sử, chỉ còn lại những truyền thuyết được dân gian trân trọng lưu truyền, trong lúc lịch sử nước Việt bước vào không gian u tối của thời kỳ Bắc thuộc. Những truyền thuyết này đã nhắc nhở cho hậu thế sự tồn tại của một quốc gia đầu tiên của dân tộc – được tổ tiên tạo lập – với hy vọng một ngày nào đó, người dân Việt phục hồi được giang sơn sẽ tìm lại cội nguồn. Một ngàn năm sau, nước Việt hưng quốc kể từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần... Một ngàn năm nữa trôi đi, khoa sử học hiện đại đã minh chứng được nước Văn Lang tồn tại trên thực tế. Mơ ước của tiền nhân đã trở thành hiện thực. Linh diệu thay, nền văn minh nước Việt. Vấn đề còn lại phải giải quyết là thực trạng xã hội Văn Lang...
Ngày nay, kính cẩn suy ngẫm những tinh túy mà tiền nhân đã gửi gấm qua truyền thuyết để lại sợ khả năng có hạn, không nói được hết ý, rất mong được sự đóng góp của những bậc trí giả.
Lời tự bạch
Sự phát triển của khoa học hiện đại với những đòi hỏi về tính chính xác và hợp lý của nó, đã đặt lại những vấn đề về thời Hùng Vương. Nội dung chính của cuốn sách này là: qua những truyền thuyết huyền thoại thời Hùng Vương liên quan giữa những vấn đề, hiện tượng trong văn hoá truyền thống Việt Nam và văn hoá cổ Đông Phương, để minh chứng trên cơ sở sự tương quan hợp lý giữa những vấn đề liên quan và tìm về cội nguồn một nền văn minh rực rỡ đã tồn tại trong lịch sử nhân loại. Đó chính là nền văn minh Văn Lang, cội nguồn của đất nước Việt Nam đã 5000 năm văn hiến.Trong lần xuất bản thứ I, do lần đầu tiên trình bày một luận điểm mới, lại viết về một thời thuộc về huyền sử, tư liệu và hoàn cảnh lúc bấy giờ cũng có nhiều điều thiếu thốn, bất cập; do đó có nhiều ý tưởng chưa trình bày được thấu đáo. Kể từ lần xuất bản thứ I đến nay, người viết đã hân hạnh trình bày với bạn đọc 3 cuốn sách cùng một chủ đề tìm hiểu về thời kỳ Hùng Vương, thông qua một số hiện tượng và vấn đề trong văn hoá cổ Đông phương liên quan đến văn hoá truyền thống Việt Nam. Qua quá trình tìm hiểu để hoàn thiện, minh chứng một cách nhất quán trong sự tương quan những vấn đề được đặt ra; người viết cố gắng sưu tầm tài liệu, để so sánh đối chiếu với những vấn đề và hiện tượng liên quan. Vì vậy trong lần xuất bản này, cuốn sách có sửa chữa bổ sung một số vấn đề chưa khẳng định rõ, hoặc chưa chính xác.Người viết hy vọng rằng cuốn Thời Hùng Vương qua truyền truyết và huyền thoại trong lần tái bản này, sẽ trình bày được rõ hơn, chứng tỏ tính nhất quán với sự phát triển của quan điểm xuyên suốt cho rằng:Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam là sự sống tiếp tục của một nền văn hiến rực rỡ từ trong cổ sử . Đó là nền văn hiến bắt đầu từ gần 5000 năm trước, tính từ triều đại của các vua Hùng.Quan điểm này được chứng minh trên cơ sở tiêu chí khoa học là: “Một giả thuyết khoa học chỉ được coi là đúng, nếu nó giải thích được hầu hết những vấn đề liên quan đến nó ”.Người viết chân thành bày tỏ lòng biết ơn những ý kiến đóng góp quý báu trong lần xuất bản trước, đã tạo điều kiện cho việc sửa chữa và hiệu chỉnh cho lần tái bản này.
Một lần nữa, người viết chân thành cảm tạ và hết sức mong muốn được sự tiếp tục quan tâm đóng góp của bạn đọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét